TRUNG QUỐC CÓ BAO NHIÊU KHU TỰ TRỊ?

TRUNG QUỐC CÓ BAO NHIÊU KHU TỰ TRỊ?

Trung Quốc (中国: Zhōngguó) là quốc gia có diện tích lớn thứ 4 trên thế giới, nằm ở khu vực Đông Á và là một trong hai quốc gia tỷ dân. Trung Quốc là quốc gia đơn đảng do Đảng Cộng sản nắm quyền, chính phủ trung ương đặt tại thủ đô Bắc Kinh. Trung Quốc cũng có một cách quy hoạch hành chính riêng bao gồm: 23 tỉnh, 5 khu tự trị, 4 thành phố trực thuộc trung ương và 2 đặc khu hành chính. Trong đó, 5 khu tự trị của Trung Quốc mỗi khu đều có những đặc điểm riêng biệt. Hàng năm, những địa điểm này thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan. Vậy bạn có biết khu tự trị là gì không? Nếu bạn chưa biết hay có ý định đi du lịch tại các khu tự trị này thì đừng bỏ lỡ bài viết này của ChineseHSK nha. Dưới đây, ChineseHSK sẽ giới thiệu kĩ hơn về 5 khu tự trị của Trung Quốc, hãy cùng tìm hiểu nhé!

Khu tự trị là gì?

Các khu tự trị là một trong những đơn vị hành chính của Trung Quốc. Khu tự trị là một đơn vị hành chính đặc biệt trong cấu trúc quốc gia, được thiết lập tại những khu vực có tập trung cao của một hoặc nhiều dân tộc thiểu số. Mô hình này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các dân tộc thiểu số duy trì bản sắc văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ riêng, đồng thời tham gia vào quá trình quản lý địa phương.

Ở Trung Quốc, khu tự trị có vị trí ngang cấp với các tỉnh và trực thuộc trung ương chính quyền.

Đặc điểm của khu tự trị

Tính đến năm 2013, có tổng cộng 5 khu tự trị của Trung Quốc bao gồm:

  • Khu tự trị Nội Mông Cổ
  • Khu tự trị Tây Tạng
  • Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây
  • Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương
  • Khu tự trị Dân tộc Hồi Ninh Hạ

Khu tự trị là một dạng đơn vị hành động đặc biệt với các đặc điểm nổi bật sau:

Thành phần dân tộc đặc trưng

  • Nơi sinh sống của dân tộc thiểu số: Các khu tự trị thường được thành lập ở các khu vực có tỷ lệ cao dân số thuộc dân tộc thiểu số. Ví dụ: Tây Tạng là nơi sinh sống chủ yếu của người Tạng, Tân Cương là nơi tập trung của người Duy Ngô Nhĩ…
  • Đa dạng dân tộc: Một số khu tự trị không chỉ có một dân tộc thiểu số mà còn có sự cộng cư của nhiều dân tộc khác, nhưng một dân tộc sẽ chiếm ưu thế (như người Choang ở Quảng Tây).

Quyền tự chủ cao hơn so với các tỉnh thông thường

  • Văn hóa và giáo dục: Khu tự trị có quyền duy trì và phát triển văn hóa dân tộc, bao gồm sử dụng ngôn ngữ và chữ viết riêng trong hệ thống giáo dục và đời sống xã hội. Ví dụ, ở Nội Mông, người dân được học chữ Mông Cổ song song với tiếng Trung.
  • Tôn giáo và tín ngưỡng: Khu tự trị có quyền bảo tồn tín ngưỡng tôn giáo truyền thống, chẳng hạn như Phật giáo Tây Tạng hay Hồi giáo ở Ninh Hạ.

Quyền ban hành luật lệ đặc thù

  • Quy định pháp lý riêng: Các khu tự trị có thể ban hành quy định hoặc điều luật riêng phù hợp với đặc điểm văn hóa, xã hội và dân tộc. Tuy nhiên, các quy định này không được mâu thuẫn với Hiến pháp và pháp luật quốc gia.
  • Ví dụ: Một số khu tự trị có quy định về bảo vệ trang phục truyền thống, lễ hội dân tộc hoặc các phong tục tập quán khác.

Đặc điểm văn hóa và phong tục riêng biệt

  • Bảo tồn lễ hội truyền thống: Các khu tự trị duy trì các lễ hội truyền thống riêng, chẳng hạn như Lễ hội Naadam của người Mông Cổ hay Tết Losar của người Tây Tạng.
  • Ẩm thực và nghệ thuật: Ẩm thực và nghệ thuật ở các khu tự trị phản ánh sâu sắc bản sắc văn hóa dân tộc, như thịt nướng Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, trà bơ ở Tây Tạng, hay sữa ngựa lên men ở Nội Mông.

Hệ thống chính trị đặc biệt

  • Lãnh đạo đại diện dân tộc thiểu số: Trong hệ thống chính trị của khu tự trị, các vị trí lãnh đạo quan trọng (như chủ tịch khu tự trị) thường do người thuộc dân tộc thiểu số tại địa phương đảm nhiệm.
  • Hội đồng Nhân dân khu tự trị: Hội đồng Nhân dân có vai trò quan trọng trong việc quyết định các vấn đề đặc thù của địa phương, phản ánh lợi ích và nguyện vọng của người dân tộc thiểu số.

Quản lý tài nguyên và phát triển kinh tế

  • Tài nguyên thiên nhiên: Khu tự trị có quyền ưu tiên khai thác và quản lý tài nguyên thiên nhiên tại địa phương, nhưng phải tuân thủ các quy định của chính quyền trung ương. Điều này nhằm đảm bảo lợi ích kinh tế cho người dân địa phương.
  • Phát triển kinh tế vùng khó khăn: Do nhiều khu tự trị nằm ở các vùng xa xôi hoặc kém phát triển, chính phủ trung ương thường có chính sách hỗ trợ đặc biệt để thúc đẩy kinh tế.

Địa lý và chiến lược đặc biệt

  • Diện tích lớn: Các khu tự trị như Tân Cương và Tây Tạng chiếm tỷ lệ lớn diện tích của Trung Quốc, đóng vai trò quan trọng về địa lý và chiến lược quốc phòng.
  • Vị trí biên giới: Phần lớn các khu tự trị nằm gần biên giới Trung Quốc, là cửa ngõ giao thương với các nước láng giềng và có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Dưới đây, ChineseHSK sẽ nói kĩ hơn về 5 khu tự trị như: đặc điểm, diện tích, vị trí, khí hậu, đặc sản,… hãy cùng đón đọc nhé!

Khu tự trị Nội Mông Cổ

Diện tích: Xấp xỉ 1.183.000 km² (chiếm khoảng 12% tổng diện tích Trung Quốc).

Khu tự trị Nội Mông Cổ có thủ phủ là Hohhot. Nó nằm ở phía bắc Trung Quốc. Nội Mông Cổ giáp Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh và Hà Bắc ở phía đông bắc, Sơn Tây, Thiểm Tây và Ninh Hạ ở phía nam, Cam Túc ở phía Tây Nam.

Khu tự trị Nội Mông có lãnh thổ rộng lớn, nằm ở vĩ độ cao, có diện tích cao nguyên rộng lớn do đó nên Nội Mông có khí hậu chủ yếu là ôn đới gió mùa lục địa, với mùa xuân có nhiệt độ tăng đột ngột và có nhiều gió lớn. Vào mùa thu thì nhiệt độ lại giảm mạnh kèm theo sương giá đến sớm. Mùa đông ở nơi đây rất lạnh, kéo dài và khắc nghiệt ( nhiệt độ có thể xuống dưới -30°C) và mùa hè nóng và mát mẻ nhưng ngắn (nhiệt độ rơi vào khoảng 20-25°C). Lượng mưa thấp, tập trung chủ yếu ở mùa hè.

Nội Mông là vùng đệm chiến lược giữa Trung Quốc và Mông Cổ, có vai trò quan trọng trong phòng quốc gia và kiểm soát biên giới phía bắc. Ngoài ra, khu vực này còn được coi là “kho năng lượng” của Trung Quốc, với các mỏ than lớn nhất cả nước.

Món ăn truyền thống của người Mông Cổ tương đối thô sơ, nguyên liệu chính chủ yếu là thịt cừu, sữa, rau rừng và mì ống. Phương pháp nấu ăn tương đối đơn giản, phổ biến nhất là nướng. Tài nguyên du lịch của Khu tự trị Nội Mông Cổ bao gồm “sáu kỳ quan lớn”: đồng cỏ, di tích lịch sử, sa mạc, hồ nước, rừng và phong tục dân gian.

Khu tự trị Nội Mông Cổ
Khu tự trị Nội Mông Cổ

Khu tự trị Tây Tạng

Diện tích: Xấp xỉ 1.228.400 km² (chiếm khoảng 12,8% tổng diện tích Trung Quốc).

Khu tự trị Tây Tạng nằm ở phía tây nam Trung Quốc, tiếp giáp Ấn Độ, Nepal, Bhutan và Myanmar. Thủ phủ là thành phố Lhasa (nổi tiếng với cung Potala và thần Jokhang). Khu tự trị Tây Tạng nằm trên cao nguyên Thanh Tạng, khu vực cao nguyên cao nhất trên trái đất. Tại miền bắc Tây Tạng độ cao trung bình lên tới 4572 m (15000 ft). Đỉnh Everest nằm trên biên giới giữa Tây Tạng và Nepal. Chính vì vậy nơi đây được mệnh danh là “Nóc nhà Thế giới”.

Tây Tạng nằm trên cao nguyên Thanh Tạng, cao nhất thế giới, chính vì độ cao này mà nơi đây được xếp vào loại khí hậu cao nguyên. Khí hậu lạnh và khô, nhiệt độ trung bình hàng năm dao động từ -2°C đến 8°C, tùy theo khu vực. Vùng phía bắc (sa mạc Changtang) lạnh hơn và khô hơn, trong khi phía nam (Lhasa, Shigatse) ấm hơn một chút. Lượng mưa ít: lượng trung bình năm từ 50 – 450 mm, chủ yếu tập trung vào mùa hè (tháng 6–9). Chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn. Khí hậu Tây Tạng là sự kết hợp giữa sự khắc nghiệt của độ cao và sự đa dạng địa hình, tạo nên những thách thức lớn trong sinh sống, phát triển kinh tế nhưng cũng là nét đặc trưng làm nên giá trị văn hóa và thiên nhiên độc đáo của vùng đất này.

Trong 5 khu tự trị của Trung Quốc, Tây Tạng có diện tích xếp thứ hai và chỉ đứng sau Tân Cương. Tây Tạng có lãnh thổ rộng lớn, địa hình hiểm trở và tài nguyên thiên nhiên phong phú.

Khu tự trị Tây Tạng
Khu tự trị Tây Tạng

Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây

Diện tích: 237.600 km² (chiếm khoảng 2,4% diện tích Trung Quốc).

Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây nằm ở phía nam Trung Quốc, giáp với Vân Nam phía tây, Quý Châu phía bắc, Hồ Nam phía đông bắc, và Quảng Đông phía đông nam. Nó cũng có biên giới giáp với Việt Nam phía tây nam (giáp các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh của Việt Nam) và Vịnh Bắc Bộ phía nam. Thủ phủ của khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây là thành phố Nam Ninh. Trong 5 khu tự trị của Trung Quốc, khu tự trị dân tộc Choang là khu tự trị ven biển duy nhất.

khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây là nơi có số lượng các dân số thiểu số lớn nhất Trung Quốc. Nơi đây sử dụng đa dạng các ngôn ngữ như: tiếng Quảng Đông, Quế Lưu, Choang, Khách Gia, Bình Hoa và nhiều ngôn ngữ dân tộc thiểu số khác. Đây cũng là tuyến đường ra biển thuận tiện nhất ở Tây Nam Trung Quốc và đóng vai trò quan trọng trong trao đổi kinh tế giữa Trung Quốc và Đông Nam Á.

Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây nằm ở phía nam Trung Quốc, gần khu vực nhiệt đới, nên có khí hậu đặc trưng của vùng cận nhiệt đới ẩm. Đây là một trong những khu vực có khí hậu ôn hòa và thuận lợi nhất ở Trung Quốc. Nơi đây có mùa hè dài, nóng và ẩm, trong khi mùa đông ngắn và ôn hòa. Nhiệt độ trung bình hàng năm dao động từ 16°C đến 23°C, tùy từng khu vực. Ngoài ra, khu tự trị này còn là một trong những vùng có lượng mưa dồi dào ở Trung Quốc, với lượng mưa trung bình từ 1.000 – 2.500 mm/năm. Mưa tập trung vào mùa hè (tháng 5-9), đôi khi xảy ra mưa lớn hoặc bão lụt do ảnh hưởng của gió mùa Đông Á. Vào mùa hè, khu tự trị Quảng Tây chịu ảnh hưởng của gió mùa đông nam, mang theo không khí nóng ẩm từ biển vào, nhiệt độ thường dao động từ 25°C đến 30°C. Vào mùa đông, gió mùa đông bắc mang theo không khí lạnh từ lục địa, nhưng do vị trí gần xích đạo, nhiệt độ không xuống quá thấp, nhiệt độ trung bình khoảng 8°C đến 15°C, ít khi xuống dưới 5°C.

Nhờ có khí hậu ôn hòa mà đặc sản của khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây rất đa dạng từ các loại thịt, cá đến các loại trái cây,… chẳng hạn như: phở Quế Lâm, vịt chanh Bắc Hải, ốc nhồi cay Nam Ninh, cá sông Li nướng, bánh ngô Quảng Tây, rượu mía La Thành, vải thiều Liễu Châu, dứa Nam Ninh, xôi nếp ngũ sắc, hải sản Bắc Hải,… Đặc sản của khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây không chỉ phong phú về hương vị mà còn phản ánh văn hóa đa dạng của các dân tộc nơi đây. Từ những món ăn truyền thống của người Choang đến các loại trái cây nhiệt đới, mỗi món ăn đều mang đậm nét đặc trưng của vùng đất cận nhiệt đới này.

Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây
Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây

Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương

Diện tích: 1.664.900 km² (chiếm khoảng 17,2% tổng diện tích Trung Quốc).

Khu tự trị dân tộc Duy Ngô Nhĩ Tân Cương nằm ở biên giới phía Tây Bắc Trung Quốc. Thủ phủ của Khu tự trị này là thành phố Ô Lỗ Mộc Tề, là khu tự trị lớn nhất trong 5 khu tự trị. Khu vực này giáp với 8 quốc gia:  Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ, Nga và Mông Cổ. Khu tự trị Tân Cương có đường biên giới dài hơn 5.000 km. Đây là tỉnh có đường biên giới dài nhất Trung Quốc.

Tân Cương có khí hậu lục địa khô cằn, đặc trưng bởi sự khác biệt rõ rệt về nhiệt độ giữa ngày và đêm, cũng như giữa các mùa trong năm. Tân Cương là một trong những khu vực khô hạn nhất Trung Quốc, với lượng mưa trung bình hàng năm từ 15 – 200 mm. Các khu vực như sa mạc Taklamakan và thung lũng Turpan gần như không có mưa trong nhiều tháng.Chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm rất lớn, có thể lên tới 20°C đến 30°C, đặc biệt ở các khu vực sa mạc. Mùa hè: Nhiệt độ có thể vượt quá 40°C, đặc biệt ở sa mạc Taklamakan và thung lũng Turpan (một trong những nơi nóng nhất Trung Quốc). Mùa đông: Nhiệt độ ở các vùng núi phía bắc và phía đông có thể xuống dưới -20°C hoặc thấp hơn.

Mặc dù thời tiết khắc nghiệt là thế nhưng nơi đây lại có đa dạng các loại đặc sản: kebab (thịt xiên nướng), trái cây khô,… Ngoài ra, nơi đây còn phát triển ngành du lịch và thu hút một lượng lớn khách du lịch đến tham quan: sa mạc Taklamakan, thung lũng Turpan, núi Thiên Sơn, nhà thờ Hồi giáo Id Kah lớn nhất Trung Quốc,…

Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương
Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương

Khu tự trị Dân tộc Hồi Ninh Hạ

Diện tích: Xấp xỉ 66.400 km² (chiếm khoảng 0,69% tổng diện tích Trung Quốc).

Khu tự trị Dân tộc Hồi Ninh Hạ nằm ở rìa phía nam của cao nguyên Hoàng Thổ và giáp với vùng Nội Mông ở phía bắc, tỉnh Cam Túc ở phía tây và tây nam, tỉnh Thiểm Tây ở phía đông. Thủ phủ là thành phố Ngân Xuyên ( trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của Ninh Hạ).

Ninh Hạ cách biển 1200 km nên có khí hậu lục địa với nhiệt độ mùa hè trung bình nằm trong khoảng 17 và 24°C trong tháng 7 và nhiệt độ mùa đông trung bình giữa -7 và -10 °C vào tháng giêng. Nhiệt độ tuyệt đối theo mùa có thể đạt 39 °C vào mùa hè và -30 °C trong mùa đông. Nhiệt độ chênh lệch trong một ngày hè có thể lên đến 17 °C. Lượng mưa trung bình hằng năm từ 190 đến 700 millimet, tập trung ở vùng phía nam.

Khu tự trị này được thành lập vào ngày 25 tháng 10 năm 1958. Nơi đây vốn là vùng Tây Hạ thời cổ đại, tên gọi Ninh Hạ mang ý nghĩa là “đất Hạ bình yên”. Khu tự trị Ninh Hạ nằm ở thượng nguồn sông Hoàng Hà ở phía tây Trung Quốc. Đây là khu sinh sống của người Hồi lớn nhất trong 5 khu tự trị của Trung Quốc. Khu tự trị Ninh Hạ Hồi được vun đắp bằng nước sông Hoàng Hà. Từ đó đã hình thành nên nền văn minh sông Hoàng Hà lâu đời. Trong suốt chiều dài lịch sử, đây là tuyến đường quan trọng của “Con đường tơ lụa”. Ngoài ra Ninh Hạ còn được mệnh danh là “Pháo đài Giang Nam”.

Khu tự trị Ninh Hạ là một vùng đất đặc biệt với sự kết hợp hài hòa giữa nền văn hóa Hồi giáo, tài nguyên thiên nhiên phong phú và cảnh quan độc đáo. Mặc dù có diện tích nhỏ, Ninh Hạ đóng vai trò quan trọng trong lịch sử, kinh tế và chính trị của Trung Quốc.

Khu tự trị Dân tộc Hồi Ninh Hạ
Khu tự trị Dân tộc Hồi Ninh Hạ

Trong bài viết này, ChineseHSK đã giới thiệu đến cho các bạn 5 khu tự trị của Trung Quốc. Hi vọng bài viết trên sẽ có thể cung cấp cho các bạn một lượng kiến thức và hiểu biết để giúp cho chuyến đi du lịch sắp tới của các bạn thuận lợi hơn.

Tìm hiểu về các món ăn ngon tại Trung Quốc qua bài viết Các món ăn nổi tiếng ở trung Quốc
Tìm hiểu thêm về văn hóa Trung Quốc trong chuyên mục Khám phá Trung Hoa
Xem thêm các bài viết về từ vựng trong chuyên mục Từ vựng tiếng Trung
Đọc thêm các bài viết về ngữ pháp trong chuyên mục Ngữ pháp tiếng trung

0/5 (0 Reviews)
Chia sẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *