Văn hoá Trung Quốc thời phong kiến đã phát triển vô cùng mạnh mẽ và thịnh vượng qua nhiều thời kì với những thành tựu độc đáo, rực rỡ.
Trung Quốc là một trong những quốc gia lớn có lịch sử lâu đời với hơn 5000 năm hình thành, phát triển và là một trong bốn nền văn minh cổ đại thế giới. Đi kèm với lịch sử Trung Quốc là nền văn hoá lâu đời, đa dạng vô cùng thú vị. Hãy cùng ChineseHSK khám phá những thành tựu nổi bật nhất của văn hoá Trung Quốc thời phong kiến trong bài viết dưới đây.
Về tư tưởng
Nho giáo (儒教) là hệ tư tưởng chính
Tư tưởng Nho giáo Trung Quốc thời phong kiến giữ vai trò vô cùng quan trọng, là hệ tư tưởng chính và cơ sở lý luận của chế độ phong kiến Trung Quốc trong suốt 2000 năm lịch sử. Nho giáo là thước đo về sự giáo dục lễ nghĩa con người và là điều kiện cần thiết cho việc quản lý đất nước và gia đình.
Tuy nhiên cũng có những hạn chế của Nho giáo bởi những lễ nghĩa khắt khe khiến con người dễ trở nên quá quy tắc và cứng nhắc, luôn chỉ theo khuôn phép cũ và kiềm hãm phần nào sự phát triển của xã hội.
Phật giáo (佛教) thịnh hành
Phật giáo có ảnh hưởng rất sâu sắc tới văn hoá Trung Quốc thời phong kiến. Trong suốt quá trình lịch sử dài đằng đẵng, Phật giáo được các vị vua giữ gìn và phát triển không ngừng. Do đó mà Phật giáo Trung Quốc cũng đạt được những thành tựu rực rỡ. Đặc biệt ở thời Tuỳ và thời Đường phong trào nghiên cứu, học tập những giáo lý của Phật phát triển vô cùng mạnh mẽ.
Sử học
Thành tựu sử học Trung Quốc nổi bật phải kể đến là bộ Sử ký(史记) hay còn được gọi là Thái sử công thư do sử gia Tư Mã Thiên thời Tây Hán biên soạn. Sử ký được viết vào năm 109 TCN đến năm 91 TCN với nội dung là lịch sử Trung Quốc từ thời Hoàng Đế thần thoại. Sử ký ghi lại lịch sử hơn 2500 năm của Trung Quốc và là tựu quan trọng về sử học. Sử ký của Tư Mã Thiên có ảnh hưởng rất lớn tới quá trình sao chép lịch sử Trung Quốc về sau, đồng thời cũng góp phần tạo nên sự phát triển của văn hoá Trung Quốc thời phong kiến.
Đến thời Đường, Sử quán được thành lập.
Toán học
Toán học Trung Quốc bắt đầu phát triển từ rất sớm và đạt được những thành tựu đáng chú ý.
Trong số những bộ sách toán học kinh điển của Trung Quốc cổ đại với bộ sách nổi bật nhất là Cửu chương toán thuật (九章 算術) có ảnh hưởng lớn tới số học truyền thống của Trung Quốc. Cửu chương toán thuật được biên soạn vào thời Đông Hán do nhiều nhà toán học Trung Quốc trong đó có Lưu Huy và Tổ Chi Xung viết bổ sung thêm những phần trọng yếu tạo nên những ý nghĩa và giá trị to lớn về sau.
Cửu chương toán thuật được dùng làm sách giáo khoa vào thế kỉ VII đến thế kỉ X với 9 chương gồm 246 bài toán với cả giả thiết và lời giải dùng trong tính diện tích và các khối lượng khác nhau, 9 chương của sách bao gồm:
- Phương điền (方田)
- Túc mễ (粟米)
- Suy phân (衰分)
- Thiếu quảng (少廣)
- Thương công (商功)
- Quân thâu (均輸)
- Doanh bất túc (盈不足)
- Phương trận (方程)
- Câu cổ (勾股)
Văn học
Văn học Trung Quốc là một trong những mảng vô cùng phát triển tạo nên những ảnh hưởng lớn tới nền văn hoá Trung Quốc thời phong kiến. Văn học Trung Quốc thời phong kiến có lịch sử phát triển xuyên suốt chiều dài lịch sử dưới nhiều hình thức, thể loại và có những phương thức lưu trữ khác nhau.
Hệ thống văn học Trung Quốc được lưu trữ và ghi chép đầu tiên phải kể đến là Ngũ kinh (五經) do Khổng Tử biên soạn. Ngũ kinh cũng chính là nền tảng cho Nho giáo phát triển sau này.
Tới thời Đường, văn học Trung Quốc bùng nổ và phát triển mạnh mẽ với các nhà văn, nhà thơ tiêu biểu như: Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Đỗ Phủ,… với những tác phẩm xuất sắc góp phần tạo nên thành công của văn học Trung Quốc thời Đường.
Thể loại tiểu thuyết Trung Quốc cực kì phát triển vào thời Minh – Thanh với những tác phẩm kinh điển vô cùng nổi tiếng. Nổi bật nhất phải kể đến Tứ đại danh tác của Trung Quốc gồm 4 tác phẩm: “Tam quốc diễn nghĩa” của tác giả La Quán Trung, “Thuỷ hử” của tác giả Thi Nại Am, “Tây du kí” của Ngô Thừa Ân, “Hồng lâu mộng” của Tào Tuyết Cần. Cả 4 tác phẩm sau này đều được chuyển thể thành phim.
Thiên văn học
Thiên văn học Trung Quốc thời phong kiến nổi bật với Nông lịch gồm 24 tiết được người dân dùng trong sản xuất, một phát minh khác là địa động nghi dùng để đo đất.
Y dược
Y dược Trung Quốc đạt được những thành tựu quan trọng góp phần tạo nên sự phát triển mạnh mẽ của văn hoá Trung Quốc thời phong kiến.
Danh y Hoa Đà (華佗) tự là Nguyên Hoá (元化) và được người đời biết đến với các biệt danh như “ông tổ ngành phẫu thuật”, “thần y”,… Ông là một trong những danh y có đóng góp to lớn và là một trong Tứ đại danh y nổi tiếng bậc nhất của Trung Quốc. Ông được Thái đại phu truyền dạy những phương pháp chữa bệnh từ khi còn nhỏ. Sau này khi đã học xong, ông bắt đầu du ngoạn bốn phương chữa bệnh để nâng cao y thuật của mình. Ông quan niệm “dùng thuốc cứu người mới là đạo”.
Hoa Đà đã có đóng góp to lớn cho nền y dược Trung Quốc khi phát minh ra Ma Phí Tán (麻沸散) giúp việc phẫu thuật dễ dàng và bớt đau đớn hơn, ông là người đầu tiên biết dùng phẫu thuật để trị bệnh. Thời điểm đó, thuốc Tây để gây mê vẫn chưa ra đời.
Bên cạnh Hoa Đà thì Lý Thời Trân (李时珍) – nhà y dược học vĩ đại đã có đóng góp to lớn cho nền y dược Trung Quốc khi viết ra tác phẩm Bản thảo cương mục (本草纲目) là một quyển sách thuốc có giá trị y học lớn. Bản thảo cương mục là một từ điển bách khoa về dược vật học. Nó có đóng góp to lớn cho y dược Trung Quốc bởi đây được xem là cuốn sách y học với lượng kiến thức hoàn chỉnh và chi tiết nhất trong lịch sử Đông y.
Khoa học kỹ thuật
Khoa học kỹ thuật thời phong kiến Trung Quốc có nhiều phát minh quan trọng trong đó phải kể đến tứ đại phát minh của Trung Quốc gồm: Giấy, la bàn, thuốc súng, kỹ thuật in.
Giấy (造纸术): Nghề làm giấy đã xuất hiện từ rất lâu ở Trung Quốc. Sau đó vào thời Đông Hán, với những kỹ thuật và tri thức mà bản thân tích luỹ được, giấy được Thái Luân sản xuất với quy mô lớn.
La bàn (指南针): Đây là một phát minh vĩ đại khác của Trung Quốc. La bàn được tạo ra sau khi người Trung Quốc tìm ra đá nam châm từ thời Chiến quốc. La bàn chính là kết quả của quá trình nghiên cứu và tích luỹ tri thức của người dân nơi đây.
Thuốc súng (火药): Có thể xem thuốc súng là phát minh nổi tiếng và vĩ đại nhất của Trung Quốc. Trước khi Thanh Hư Tử đề xuất công thức tạo ra thuốc nổ, thuốc nổ từng được dùng để làm pháo đốt trong lễ hội. Tới cuối triều Đường, thuốc nổ mới bắt đầu được dùng trong lĩnh vực quân sự và chính nó đã góp phần lớn thúc đẩy tiến trình phát triển của thế giới.
In ấn (印刷术): In ấn được xem là một trong những phát minh của Trung Quốc khi truyền bá sang Châu Âu đã góp phần tạo điều kiện cho sự xuất hiện của thời kỳ Phục hưng. Kỹ thuật này có nguồn gốc từ thói quen dùng con dấu kí tên của người Trung Quốc xưa và tới thời Tống thì chuyển sang kỹ thuật in chữ.
Kiến trúc
Khi nhắc tới Trung Quốc không thể không nhắc tới các công trình kiến trúc Trung Quốc cổ đại có bề dày lịch sử lâu đời và mang đậm dấu ấn văn hoá riêng biệt. Chính những công trình này đã phần lớn tạo nên nền văn hoá Trung Quốc thời phong kiến thịnh vượng và có ý nghĩa lịch sử, văn hoá về sau này.
Các kiến trúc Trung Quốc cổ đại thường có các đặc trưng như: sử dụng xà, dầm đỡ, dầm nhà, cột gỗ với những hoạ tiết tinh xảo, cầu kỳ để tạo thành khung chắc chắn nâng đỡ cho nhà. Trong khi đó, những bức tường chỉ bao quanh và không có tác dụng nâng đỡ nhà.
Hai trong số các công trình kiến trúc Trung Quốc cổ đại nổi bật có thể kể đến là Vạn Lý Trường Thành và Tử Cấm Thành
Vạn Lý Trường Thành (万里长城)
Thời nhà Minh, Vạn Lý Trường Thành được xây dựng bởi đất đá. Nguồn lực xây dựng chủ yếu là các tù nhân đã bị kết tội, lính và dân thường. Bức tường thành kiên cố này được xây dựng kéo dài qua nhiều triều đại mới có thể có được chiều cao trung bình 7m và độ dài 21196km như hiện tại.
Năm 1987, Vạn Lý Trường Thành Trung Quốc được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới.
Tử Cấm Thành (紫禁城)
Ngoài Vạn Lý Trường Thành thì Tử Cấm Thành hay còn được gọi là Cố Cung cũng là một công trình kiến trúc cổ Trung Quốc nổi tiếng. Tử Cấm Thành nằm ở khu Đông Thành, Bắc Kinh có diện tích đáng ấn tượng lên tới 720000 mét vuông gồm 800 cung và 9999 phòng, trong đó có 4 cung chính dẫn ra ngoài thành.
Các kiến trúc của Tử Cấm Thành được chạm khắc cô cùng kỳ công, tỉ mỉ thể hiện rõ sự xa hoa, sang trọng chốn cung đình. Đa số các mái nhà trong Tử Cấm Thành đều được lớp ngói tráng men vàng bởi màu vàng là màu của Hoàng đế. Các kiến trúc nổi bật phải kể đến của Tử Cấm Thành là cửa Ngọ môn và cửa Thái Hoà, Tiền triều và Hậu Cung, Điện Thái Hoà, Cung Càn Thanh, bảo tàng ở Tử Cấm Thành, Ngự Hoa Viên,…
Ngoài Vạn Lý Trường Thành và Tử Cấm Thành, kiến trúc cổ đại Trung Quốc thời phong kiến còn nổi bật với những bức tượng Phật sinh động,Thành cổ Bình Dao, Thiên Đàn Bắc Kinh,…
Qua bài viết trên, ChineseHSK hy vọng bạn sẽ có thêm những kiến thức về văn hoá Trung Quốc thời phong kiến. Bạn có thể xem Đôn Hoàng – “Viên ngọc quý” trên con đường tơ lụa để biết thêm về một trong những địa danh quan trọng của Trung Quốc.
Tham khảo thêm: Top 10 địa điểm du lịch Trung Quốc bạn nên ghé tham quan để có thêm những hiểu biết thú vị về Trung Quốc.
Tìm hiểu thêm nhiều điều hay ho khác của Trung Quốc tại Khám phá Trung Hoa
Tìm hiểu kĩ hơn về Tứ đại phát minh của Trung Quốc