THANH MẪU VÀ VẬN MẪU TRONG TIẾNG TRUNG

THANH MẪU VÀ VẬN MẪU TRONG TIẾNG TRUNG

Nguyên nhân nào mà trên thế giới lại có nhiều người học giỏi tiếng Trung đến vậy dù chữ Hán không thuộc hệ thống chữ cái Latinh như tiếng Anh, tiếng Việt. Vì người học hoàn toàn có thể dựa vào phiên âm của một chữ Hán để học âm đọc của chúng. Âm đọc của một chữ Hán chia thành 3 bộ phận: thanh mẫu, vận mẫu và thanh điệu. Bài viết này ChineseHSK sẽ giới thiệu về Thanh mẫu trong tiếng Trung nha!

Thanh mẫu tiếng Trung là gì?

Trong tiếng Trung, mỗi chữ Hán là một âm tiết. Ví dụ như 好 là một âm tiết. Phiên âm của 好 là hǎo, hǎo gồm các âm tố: h, a, o tạo thành. Thanh mẫu hay vận mẫu trong tiếng trung là khái niệm được phân tích từ âm tiết của mỗi chữ Hán.

Thanh mẫu do phụ âm đảm nhiệm, đặc điểm của phụ âm là khi phát âm luồng khí phát ra từ khoang miệng bị cản trở. Thế nên có thể dựa vào hai phương diện khác nhau để nghiên cứu cách phát âm của thanh mẫu.

  • Vị trí phát âm: bộ phận chịu sự cản trở của luồng khí.
  • Cách phát âm: cách là luồng khí khắc phục được sự cản trở đó và thoát ra ngoài.

Những vị trí phát âm khác nhau và cách phát âm khác nhau là căn cứ chủ yếu để phân loại thanh mẫu.

Chính vì thanh mẫu được tạo thành từ các phụ âm nên nhiều người gộp chung hai khái niệm thanh mẫu và phụ âm lại với nhau. Chúng ta nên phân biệt rằng, trong tiếng Hán hiện đại gồm 22 phụ âm, tuy nhiên chỉ có 21 phụ âm làm thanh mẫu, 1 phụ âm còn lại là phụ âm “ng” không làm thanh mẫu mà làm vận mẫu.

Bảng thanh mẫu tiếng Trung

Bảng 21 thanh mẫu tiếng trung
Bảng 21 thanh mẫu tiếng trung

Cách đọc thanh mẫu tiếng Trung

Dựa vào vị trí phát âm:

Vị trí phát âm là 2 vị trí tạo nên sự cản trở của cơ quan phát âm. Dựa vào vị trí phát âm, 21 thanh mẫu trong tiếng Trung được chia thành 7 loại khác nhau.

Lưu ý: Trong phần này có các từ ngữ thường dùng như 唇 (chún): môi,齿 (chǐ): răng,舌 (shé): lưỡi. Các bạn nên chú ý để thuận tiện cho việc tìm hiểu các loại thanh mẫu nha.

  1. 双唇音(shuāng chún yīn): âm hai môi
  2. 唇齿音(chún chǐ yīn): âm răng môi
  3. 舌尖前音(shé jiān qián yīn): âm đầu lưỡi trước
  4. 舌尖中音(shé jiān zhōng yīn): âm đầu lưỡi giữa
  5. 舌尖后音(shé jiān hòu yīn): âm đầu lưỡi sau
  6. 舌面音(shé miàn yīn): âm mặt lưỡi
  7. 舌根音(shé gēn yīn): âm cuống lưỡi

Vậy 7 loại thanh mẫu này khác nhau như thế nào, mỗi loại có đặc điểm phát âm ra sao?

  • Âm hai môi: b, p, m
    Bộ phận phát âm: môi trên, môi dưới
    – Cách phát âm của b: khép hai môi lại, rồi mở nhẹ để luồng khí thoát ra, không bật hơi
    – Cách phát âm của p: phát âm như b nhưng bật hơi
    – Cách phát âm của m: khép hai môi, hạ ngạc cứng xuống, khép khoang miệng lại, mở khoang mũi để luồng khí thoát ra, luồng khí làm cho thanh đới rung
    Bạn có thể phân biệt hai âm b và p bằng cách lấy một tờ giấy mỏng đặt trước miệng, khi đọc âm p giấy sẽ có sự rung nhẹ (do bật hơi), còn âm b thì không.
  • Âm răng môi: f
    Bộ phận phát âm: răng trên, môi dưới
    – Cách phát âm: môi dưới hơi thu vào trong đặt gần vào răng dưới tạo thành một khe hẹp nhỏ để luồng khí thoát ra, ngạc cứng nâng cao lên, âm thanh được tạo ra nhờ ma sát
  • Âm đầu lưỡi trước: z, c, s
    Bộ phận phát âm: đầu lưỡi, mặt sau răng
    – Cách phát âm của z: khi phát âm, đầu lưỡi thẳng, chạm sát vào mặt sau của răng trên, sau đó đầu lưỡi hơi lùi lại để luồng hơi thoát ra ngoài từ khoang miệng
    – Cách phát âm của c: vị trí phát âm giống âm z, nhưng bật hơi
    – Cách phát âm của s: khi phát âm, đầu lưỡi tiếp cận mặt sau răng cửa dưới, luồng hơi thoát ra ngoài nhờ ma sát giữa mặt lưỡi và răng trên
  • Âm đầu lưỡi giữa: d, t, n, l
    Bộ phận phát âm: đầu lưỡi, lợi
    – Cách phát âm của d: đầu lưỡi chạm vào lợi dưới để tạo sự cản trở luồng khí, giữ khí lại trong khoang mũi, thanh đới không rung
    – Cách phát âm của t: đầu lưỡi chạm vào lợi dưới, nâng cao ngạc mềm, đóng khoang mũi, thanh đới không rung, luồng khí khá mạnh
    – Cách phát âm của n: đầu lưỡi chạm vào lợi, ngạc mềm hạ thấp, khoang miệng khép kín, mở khoang mũi, luồng khí làm rung thanh đới và thoát ra từ khoang mũi
    – Cách phát âm của l: đầu lưỡi chạm vào lơi, luồng khí thoát ra từ khe hở hai bên lưỡi, thanh đới rung
  • Âm đầu lưỡi sau: zh, ch, sh, r
    Bộ phận phát âm: đầu lưỡi, phần trước ngạc cứng
    – Cách phát âm của zh: cong đầu lưỡi, nâng cao ngạc mềm, giữ lại luồng khí trong khoang mũi, thanh đới không rung. Luồng khì thoát ra nhẹ
    – Cách phát âm của ch: vị trí phát âm gần giống như zh nhưng luồng khí phát ra mạnh
    – Cách phát âm của sh: đầu lưỡi cong lên áp sát vào phần trước của ngạc cứng, giữ lại một khe hẹp để luồng khí thoát ra ngoài, thanh đới không rung
    – Cách phát âm của r: vị trí phát âm gần giống như sh
  • Âm mặt lưỡi: j, q, x
    Bộ phận phát âm: mặt lưỡi, ngạc cứng
    – Cách phát âm của j: mặt lưỡi trước chạm vào ngạc cứng, ngạc mềm nâng cao và giữ lại luồng khí trong khoang mũi, thanh đới không rung, luồng khí phát ra nhẹ và thoát ra từ khe hẹp đó.
    – Cách phát âm của q: vị trí phát âm như j, nhưng bật hơi, luồng khí phát ra mạnh.
    – Cách phát âm của x: mặt lưỡi trước áp sát vào ngạc cứng, ngạc mềm nâng lên, giữ lại một khe hẹp để luồng khí ma sát thoát ra tạo thành âm thanh, thanh đới không rung
  • Âm cuống lưỡi: g, k, h
    Bộ phận phát âm: cuống lưỡi, ngạc mềm
    – Cách phát âm của g: cuống lưỡi chạm vào ngạc mềm, bộ phận sau ngạc mềm nâng lên, thanh đới không rung, luồng khí thoát ra mạnh tạo thành âm thanh
    – Cách phát âm của k: vị trí phát âm như âm g nhưng luồng khí phát ra mạnh hơn
    – Cách phát âm của h: cuống lưỡi áp sát vào ngạc mềm và để lại mổ khe hở, nâng cao ngạc mềm và giữ lại khí trong khoang mũi, thanh đới không rung, luồng khí sẽ thoát ra nhờ ma sát từ khe hẹp đó

Dựa vào cách phát âm:

Cách phát âm là cách mà các bộ phận phát âm cấu thành và khắc phục sự cản trở của luồng khí. Luồng khí mạnh hay yếu, thanh đới có rung hay không chính là những đặc điểm chính để phân loại cách phát âm của thanh mẫu. 21 thanh mẫu trong tiếng Trung được chia thành 3 cách phát âm chính:

Dựa vào cách tạo thành và loại bỏ sự cản trở: 5 loại

  1. 塞音(sèyīn)âm tắc
  2. 擦音(cā yīn):âm xát
  3. 塞擦音(sè cā yīn):âm tắc xát
  4. 鼻音(bíyīn):âm mũi
  5. 边音(biān yīn):âm bên

Cùng ChineseHSK tìm hiểu đặc điểm phát âm của từng loại nha:

  • Âm tắc: b, p, d, t, g, k
    Đặc điểm: Vị trí phát âm hoàn toàn khép chặt lại, giữ lại luồng khí trong miệng sau đó đột nhiên cho luồng khí thoát ra để tạo thành âm thanh
  • Âm xát: f, s, sh, r, x, h
    Đặc điểm: Vị trí phát âm không khép kín hoàn toàn, tạo nên một khe hở nhỏ giữa hai bộ phận tạo nên sự cản trở của luồng khí để luồng khí thoát ra ngoài, âm thanh tạo thành nhờ sự ma sát
  • Âm tắc xát: z, c, zh, ch, j, q
    Đặc điểm: Vị trí phát âm lúc đầu hoàn toàn khép chặt để giữ lại luồng khí, sau đó mở ra một khe hẹp nhỏ để luồng khí thoát ra. Cách tạo sự cản trở khí giống như âm tắc, cách loại bỏ sự cản trở giống như âm xát
  • Âm mũi: m, n
    Đặc điểm: Vị trí phát âm của khoang miệng đóng chặt, hạ ngạc mềm xuống, để luồng khí thoát ra nhờ khoang mũi
  • Âm bên: l
    Đặc điểm: đầu lưỡi nâng lên tạo nên sự cản trở cùng với lợi, vị trí phát âm hoàn toàn khép kín, luồng khi thoát ra ở hai bên lưỡi

Dựa vào độ rung của thanh đới: 

Dựa vào việc thanh đới có rung hay không, thanh mẫu trong tiếng Trung có thể phân thành 2 loại:  清音(qīngyīn):âm trong và 浊音(zhuóyīn):âm đục

  • Âm trong(17 thanh mẫu) : b, p, f, d, t, g, k, h, j, q, x, zh, ch, sh, z, c, s
    Đặc điểm: thanh đới không rung
  • Âm đục(4 thanh mẫu): m, n, l , r
    Đặc điểm: thanh đới rung

Dựa vào độ mạnh yếu của luồng khí:

Đối với âm tắc và âm tắc xát, những âm có phát âm khác nhau khi phát âm sẽ tạo nên luồng khí có độ mạnh yếu khác nhau. Có 2 loại: âm không bật hơi 不送气音 (bù sòng qì yīn) và âm bật hơi 送气音 (sòng qì yīn).

  • Âm không bật hơi: b, d, g, z, zh, j
  • Âm bật hơi: p, t, k, c, ch, q

Vận mẫu tiếng Trung là gì?

Âm đọc của mỗi chữ Hán bao gồm: thanh mẫu, vận mẫu, thanh điệu. Trong âm tiết, bộ phận đứng phía sau thanh mẫu là vận mẫu. Vận mẫu được hiểu là phụ âm vần (phần vần) của 1 âm tiết tiếng Hán. Ví dụ trong chữ 好 (hǎo), vận mẫu là ǎo.

Khác với thanh mẫu, vận mẫu có thể  phát âm thành tiếng khi đứng độc lập một mình, khi phát âm thanh quản sẽ mở rộng ra và phát âm thành tiếng. Vận mẫu có thể do nguyên âm đảm nhiệm, cũng có thể do hai đến ba nguyên âm tạo thành, có một số vận mẫu còn có thể được kết hợp bởi nguyên âm và phụ âm.

Trong tiếng Trung có tổng cộng 39 vận mẫu, căn cứ vào các bộ phận cấu tạo có thể chia vận mẫu thành 3 loại: vận mẫu đơn, vận mẫu kép và vận mẫu mũi.

Bảng vận mẫu tiếng Trung

Bảng vận mẫu tiếng Trung
Bảng vận mẫu tiếng Trung

Cách đọc vận mẫu tiếng Trung

Khi phân loại dựa vào khẩu hình lúc phát âm nguyên âm đầu của vận mẫu, người ta chia vận mẫu thành 4 loại sau:

  • Âm mở miệng: a, o, e, ai, ei, ao, ou, an, en, ang, eng
  • Âm đều răng: i, ia, ie, iao, iou, ian, in, iang, ing
  • Âm ngậm miệng: u, ua, uo, uai, uei, uan, uen, uang, ueng, ong
  • Âm chụm miệng: ü , üe, üan, ün, iong

Phân loại vận mẫu tiếng Trung

1.Vận mẫu đơn

Vận mẫu do 1 nguyên âm cấu thành được gọi là vận mẫu đơn. Trong tiếng Trung gồm có 6 vận mẫu đơn bao gồm a, o, e, i, u, ü.

Cách phát âm: Vị trí lưỡi và khẩu hình giữ nguyên không thay đổi trong suốt quá trình phiên âm.

Cách đọc vận mẫu đơn (Nguyên âm đơn):

  • a: Khi phát âm, môi phải mở rộng tự nhiên, lưỡi phẳng, giữa lưỡi hơi phồng lên và rung dây thanh, đọc như “a”
  • o: Khi phát âm, môi tròn hơi nhếch lên, lưỡi thu lại và ưỡn ra sau, trung tâm lưỡi rung dây thanh, đọc như “ô”
  • e: Khi phát âm, miệng mở ra một nửa, lưỡi hơi đưa ra sau và khóe miệng dẹt sang hai bên, rung dây thanh, đọc như “ưa”
  • i: Lúc phát âm, miệng hơi dẹt, đầu lưỡi áp vào lợi dưới. Mặt lưỡi nhô cao, áp sát vào vòm miệng cứng phía trên và dây thanh âm rung, đọc như “i”
  • u: Khi phát âm, môi tròn và nhô ra thành lỗ nhỏ. Mặt sau của lưỡi nhô lên và dây thanh âm rung, đọc như “u”
  • ü: Khi phát âm, môi tròn, khép lại. Đầu của lưỡi áp vào lợi dưới. Phần trước của lưỡi nâng lên và rung dây thanh, đọc gần giống “uy” nhưng cần giữ khẩu hình miệng tròn trong suốt quá trình phát âm

2. Vận mẫu kép (Vận mẫu phức)

Vận mẫu kép (vận mẫu phức) do 2 hoặc 3 nguyên âm cấu thành. Trong bảng chữ cái tiếng Trung gồm có 13 vận mẫu kép bao gồm: ai, ei, ao, ou, ia, ua, ie, uo, üe, iao, iou, uai, uei.

  • ai: Khi phát âm, đầu tiên phát âm “a” rồi chuyển sang âm “i”. Luồng hơi không bị ngắt quãng, phát âm nhẹ và ngắn, đọc như “ai
  • ei: Phát âm âm e trước rồi trượt sang âm i và không làm ngắt luồng hơi. Khóe miệng xòe hai bên và đọc như “ây”
  • ao: Khi phiên âm, phát âm âm a trước rồi sau đó thu đầu lưỡi lại, nâng gốc lưỡi lên và ngậm miệng thành hình tròn rồi trượt nhẹ về phía o, đọc như “ao”
  • ou: Khi phát âm, bạn phát âm âm o trước rồi dần khép môi lại. Gốc lưỡi nâng lên và hình dạng miệng được chuyển từ hình tròn lớn sang hình tròn nhỏ, đọc như “âu”
  • ia: Khi phát âm, bạn đọc chữ i trước rồi đến chữ a, luồng hơi không bị ngắt quãng
  • ua: Đọc gần giống với âm “oa”, phần hơi kéo dài từ âm “u” rồi chuyển sang âm “a”
  • ie: Khi phát âm, đọc chữ i trước rồi đến chữ e. Đọc sao cho luồng hơi không bị ngắt quãng
  • uo: Đọc kéo dài âm u rồi chuyển nhanh sang âm ô
  • üe: Khi phát âm, bạn đọc âm ü trước rồi trượt về phía âm e. Khẩu hình thay đổi từ tròn sang dẹt
  • iao: Đọc nguyên âm i trước rồi chuyển sang âm đôi ao. Đọc giống như “i + eo”
  • iou: Khi phát âm, đọc từ âm i trước rồi trượt về phía âm ou. Khẩu hình miệng thay đổi từ phẳng sang tròn
  • uai: Đọc hơi kéo dài âm “u” rồi chuyển qua âm “ai”. Đọc gần giống với âm “oai”
  • uei: Khi phát âm, u được phát âm nhẹ và ngắn rồi chuyển sang ei. Khẩu hình miệng chuyển từ tròn sang dẹt, đọc như “uây”

3. Vận mẫu mũi

Vận mẫu mũi là vận mẫu cấu tạo bởi 1 hoặc 2 nguyên âm theo sau là phụ âm mũi. Trong bảng chữ cái tiếng Trung gồm có 16 vận mẫu mũi, được chia làm 2 loại: vận mẫu mũi trước, vận mẫu mũi sau, cụ thể:

Vận mẫu mũi trước: an, ian, uan, üan, en, in, uen, ün

Vận mẫu mũi sau: ang, iang, uang, eng, ing, ueng, ong, iong

  • an: Khi phát âm, đầu tiên bạn phát âm a rồi nâng dần đầu lưỡi lên, âm n phát âm áp lưỡi lên trên
  • ian: Đọc gần giống như “i + en” trong tiếng Việt
  • uan: Khi phát âm, bạn đầu âm u trước rồi chuyển sang phát nguyên âm mũi “an”, đọc gần giống như âm “oan” trong tiếng Việt
  • üan: Khi phát âm, bạn đọc âm “ü” trước, sau đó chuyển sang phát nguyên âm mũi “an”. Đọc gần giống âm “oan” trong tiếng Việt
  • en: Khi phát âm, đọc âm e đầu rồi nâng lưỡi lên, đầu lưỡi áp vào lợi trên và luồng hơi được thoát ra từ hốc mũi. Đọc như âm “ân”
  • in: Khi phát âm, bạn cần đọc âm i trước rồi chuyển sang phụ âm “n”, đọc như âm “in”
  • uen: Khi phát âm, bạn đọc âm u trước, sau đó chuyển sang phụ âm en, đọc gần giống âm “uân” trong tiếng Việt
  • ün: Khi phát âm, đầu tiên đọc âm ü, rồ nâng lưỡi lên, áp vào lợi trên, luồng hơi từ hốc mũi phát âm thành âm n, tương tự như âm “uyn” trong tiếng Việt
  • ang: Khi phát âm, đầu tiên đọc âm a trước rồi áp gốc lưỡi vào vòm miệng mềm phía trên. Luồng khí thoát ra từ hốc mũi, đọc giống đuôi ng
  • iang: Khi phát âm, bạn đọc nguyên âm i trước rồi chuyển sang nguyên âm mũi “ang”. Đọc gần giống “eng” trong tiếng Việt
  • uang: Khi phát âm, bạn đọc nguyên âm “u” trước, sau đó chuyển sang nguyên âm mũi “ang”. Đọc gần giống vần “oang” trong tiếng Việt
  • eng: Khi phát âm, âm e được phát ra trước tiên rồi đầu lưỡi áp vào nướu dưới. Gốc lưỡi rút vào vòm miệng mềm để tạo ra âm ng. Luồng không khí đẩy ra từ hốc mũi
  • ing: Khi phát âm, âm o đọc trước, sau đó gốc lưỡi thu vào vòm miệng mềm, mặt lưỡi nhô lên, khóe môi tròn và hốc mũi cộng hưởng thành âm thanh
  • ueng: Khi phát âm, bạn đọc nguyên âm u trước rồi chuyển dần sang phát nguyên âm mũi eng. Đọc gần giống vần “uâng” trong tiếng Việt
  • ong: Khi phát âm, âm o đọc trước rồi thu gốc lưỡi vào vòm miệng mềm, mặt lưỡi nhô lên, môi tròn và hốc mũi cộng hưởng lại thành âm thanh
  • iong: Khi phát âm, đọc nguyên âm i trước rồi chuyển sang nguyên âm mũi “oang”. Đọc gần giống âm ung trong tiếng Việt

4. Vận mẫu đặc biệt (âm cong lưỡi)

Vận mẫu cong lưỡi là vận mẫu đặc biệt: er – là âm tiết riêng và không ghép được với bất cứ phụ âm hay nguyên âm nào

Ngoài ra, trong tiếng Trung còn có âm “ng”. Âm này chỉ đứng sau nguyên âm mà không thể đứng trước nguyên âm như trong tiếng Việt.

  • er: Phát nguyên âm “e” trước, sau đó, lưỡi dần dần cuốn lên

Vậy là chúng ta đã tìm hiểu về thanh mẫu và vận mẫu trong tiếng Trung rồi. Học cách phát âm của từng thanh mẫu, vận mẫu sẽ giúp bạn có nền tảng vững chắc khi học tiếng Trung đó. Cùng đón chờ các bài viết tiếp theo của ChineseHSK nha!

Khám phá các bài viết cùng chuyện mục tại: CHUYÊN MỤC TỰ HỌC TIẾNG TRUNG

Tìm hiểu các app luyện nghe tiếng trung hiệu quả tại đây

 

 

0/5 (0 Reviews)
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *