TẾT TRUNG THU CỦA NGƯỜI TRUNG QUỐC

TẾT TRUNG THU CỦA NGƯỜI TRUNG QUỐC

Tết Trung thu(中秋节 – Zhōngqiū jié)cùng với Tết Nguyên đán(春节 – Chūnjié), Tết Thanh minh(清明节 – Qīngmíng jié)Tết Đoan ngọ(端午节 – Duānwǔ jié) là bốn ngày lễ truyền thống lớn đối với người dân Trung Quốc. Vậy vào một dịp lễ lớn như thế, đất nước tỷ dân này có những hoạt động chào mừng nào? Cùng ChineseHSK tìm hiểu nhé.

Thời gian diễn ra

Tết trung thu bắt đầu từ thời nhà Đường, trở nên hưng thịnh vào thời nhà Tống, đến thời nhà Thanh Minh, Tết Trung thu cùng với Tết Nguyên đán đã trở thành một trong hai lễ tết lớn của người dân Trung Hoa.

Tết Trung thu bắt đầu vào ngày mười lăm tháng tám âm lịch hằng năm. Vào ngày lễ này, mọi người thân trong gia đình sẽ quây quần cùng nhau, cùng nhau thực hiện các tập tục đón lễ.

Tên gọi Tết Trung thu được lý giải như sau: tháng sáu, tháng bảy, tháng tám rơi vào mùa thu, và ngày lễ này được diễn ra vào đúng giữa tháng tám âm lịch – giữa mùa thu nên được gọi là trung thu. Ngoài cái tên này ra còn rất nhiều tên gọi khác về ngày lễ này như Tết Đoàn viên, Tết Thiếu nhiTết Hoa Đăng, Tết Trông Trăng,…

Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Trung Thu

 Vậy tại sao người dân Trung Quốc lại có lễ hội này? Ngược dòng thời gian về thời xa xưa, tương truyền có người đàn ông tên là Hậu Nghệ có tài bắn cung rất giỏi. Một hôm, trên trời đột nhiên xuất hiện mười ông mặt trời, cái nóng gay gắt đó phá hoại hết tất cả mùa màng, làm nguồn nước cạn khô, dân chúng khó mà sống tiếp được. Không cam chịu tình cảnh đó, Hậu Nghệ một mình vác cung lên bắn hạ hết chín ông mặt trời, chỉ chừa lại một mặt trời đồng thời ra lệnh ngày nào cũng phải đúng giờ mọc lên và lặn xuống. Cuộc sống của bách tính từ đó trở về với quỹ đạo thường ngày, Hậu Nghệ được dân chúng hết lời khen ngợi. Chuyện này tới tai Thiên Đình, Tây Vương Mẫu rất yêu thích tài năng của Hậu Nghệ nên đã ban cho chàng tiên đan. Chỉ cần ăn viên tiên đan này là có thể được sống trên Thiên Đình, nhưng vì luyến tiếc người vợ của mình là Hằng Nga nên Hậu Nghệ đã giao tiên đơn lại cho nàng cất giữ. Chẳng may chuyện này lại bị một tên đồ đệ xấu xa của Hậu Nghệ biết được, nhân lúc chàng không có nhà đã xông vào đòi lấy tiên đan từ tay Hằng Nga. Không muốn để kẻ xấu toại nguyện, Hằng Nga dứt khoát nuốt viên tiên đan rồi dần dần bay lên cao. Rời xa nhân gian, trong lòng nàng nhớ nhung khôn xiết bèn xin Tây Vương Mẫu cho nàng ở nơi nào gần Hậu Nghệ một chút, thế là Hằng Nga chuyển lên sống trên cung trăng. Hậu Nghệ ở lại buồn bã vô cùng, thường hay mang các loại bánh trái Hằng Nga thích ăn bày trong sân vườn như một cách nhớ nhung nàng. Dân gian từ đó cũng truyền nhau hoạt động này, vừa để tưởng nhớ Hậu Nghệ – Hằng Nga, vừa để cầu phước lành may mắn cho gia đình mình. Dần dần về sau Tết Trung thu trở thành một dịp lễ để mọi người sum vầy, đoàn tụ với gia đình.

Các hoạt động chào mừng Tết Trung thu

Người dân Trung Quốc được nghỉ ba ngày để chào đón Tết Trung thu, vậy họ có những hoạt động nào vào ngày lễ này?

Về quê đoàn tụ với gia đình 回家跟家人团聚 – Huí jiā gēn jiārén tuánjù

Mua vé xe, vé tàu về quê là một hoạt động trước ngày lễ. Vào những ngày cận tết Trung thu, các trạm xe, trạm ga tàu đã nô nức người tới người lui, ai cũng tranh thủ giành lấy một chiếc vé cho mình. Không khí vô cùng náo nhiệt, ai nấy đều rất háo hức vì sắp gặp được người thân chốn quê nhà thân thuộc, hưởng thụ sự sum vầy ấp ám.

回家跟家人团聚 - Huí jiā gēn jiārén tuánjù
Về quê đoàn tụ với gia đình 回家跟家人团聚 – Huí jiā gēn jiārén tuánjù

Tế trăng 拜月 – Bài yuè

Tế trăng là một một trong những hoạt động phải kể tới đầu tiên trong dịp lễ lớn này. Đây là một tập tục đã xuất hiện từ rất lâu đời, người dân Trung Hoa rất sùng bái Thần Mặt trăng nên mỗi năm vào tháng tám âm lịch đều lập đàn cúng tế. Mỗi năm vào dịp này,  mọi người lập đàn hương, đốt nến theo hướng đặt bài vị của Thần Mặt trăng rồi lần lượt tế trăng nhằm cầu phước lành cho người thân. Trên đàn hương được bày các cúng tế phẩm như dưa hấu, táo, nho, bánh trung thu….

Tế trăng 拜月 - Bài yuè
Tế trăng 拜月 – Bài yuè

Ăn bánh trung thu và ngắm trăng 吃月饼和赏月 – Chī yuèbǐng hé shǎng yuè

Bánh trung thu là một món bánh không thể thiếu trong dịp lễ này, với vẻ ngoài tròn trĩnh như Mặt trăng trên trời, bánh trung thu đã trở thành một biểu trưng của Tết Trung Thu. Tập tục ăn bánh trung thu vào Tết Trung thu được bắt đầu vào thời Đường. Vào thời Tống, hoạt động này được lưu hành rộng rãi trong cung đình và dần dần truyền rộng vào dân gian. Người dân Trung Quốc xưa dùng bánh trung thu đề tế Thần Mặt Trăng và những vị thần khác. Ngoài ý nghĩa này ra, tháng tám cũng chính là tháng cuối mùa thu hoạch nên một chiếc bánh trung thu vàng óng thơm phức cùng lớp nhân ú nụ cũng được coi là bằng chứng của một mùa bội thu, ăn bánh trung thu cũng là hoạt động chúc mừng mùa màng tươi tốt. 

Theo dòng thời gian và đặc trưng địa phương, bánh trung thu cũng đã thay đổi rất nhiều. Ngày nay, ngoài những nhân bánh truyền thống như bánh trung thu nhân thập cẩm, bánh trung thu nhân đậu xanh hay bánh trung thu nhân hạt sen thì đã xuất hiện thêm nhiều vị mới như bánh trung thu nhân kem, bánh trung thu dẻo lạnh,…

Hoạt động ngắm trăng bắt nguồn từ truyền thống tế trăng được kể bên trên, theo thời gian tập tục tế trăng được chuyển dần từ một nghi thức nghiêm trang thành một hoạt động nhẹ nhàng vui vẻ hơn. Vào đêm Tết Trung thu, tất cả mọi người trong nhà cùng nhau bày biện bánh trái ra sân, vừa nhâm nhi miếng bánh trung thu ngọt lành vừa ngắm nhìn ánh trăng sáng trên cao. Ngày mười lăm tháng tám âm lịch chính là lúc Mặt Trăng gần Trái Đất nhất, tròn vành vạnh và sáng ngời, cũng nhờ đó mà mọi người có thể ngắm được vẻ đẹp mà thường ngày khó có cơ hội thưởng thức.

Ăn bánh trung thu và ngắm trăng
Ăn bánh trung thu và ngắm trăng

Treo lồng đèn 挂灯笼 – Guà dēnglóng

Dưới ánh trăng sáng thì sắc đỏ của chiếc lồng đèn đã tăng thêm màu sắc cho dịp lễ đặc biệt này. Tập tục treo đèn lồng bắt đầu xuất hiện từ thời nhà Hán, thịnh hành ở thời nhà Đường và được lưu truyền tới tận bây giờ. Từ thời xa xưa, trong đêm Trung thu, từng chiếc đèn lồng tinh xảo, đẹp đẽ sẽ được treo lên trước cửa mỗi nhà bằng một cây trúc. Ngày nay tập tục này đã được chăm chút, tổ chức long trọng hơn. Ở khu vực Quảng Châu, Quảng Đông Trung Quốc, những chiếc đèn lồng với đủ hình dáng như đèn hình con thỏ, đèn hình trái khế hoặc hình vuông được đồng loạt treo lên trên những cành trúc cao với số lượng lớn, hình ảnh đó đã trở thành một cảnh tượng khó quên trong lòng người dân bản địa và du khách nước ngoài mỗi dịp Trung thu. Người ta gọi cảnh tượng này là “cây Trung thu” 树中秋 – Shù zhōngqiū, đồng âm với cụm từ “dựng Trung thu” 竖中秋 – Shù zhōngqiū.

Treo lồng đèn 挂灯笼 - Guà dēnglóng
Treo lồng đèn 挂灯笼 – Guà dēnglóng

Ngoài những hoạt động phổ biến khắp cả nước trên thì ở những địa phương khác nhau cũng sở hữu riêng cho mình những tập tục đón Tết Trung thu khác nhau. Có thể kể đến như tập tục giết vịt, ăn bánh vừng, bánh mật của người Tứ Xuyên, Trung Quốc; tập tục ăn vịt hoa Quế – một món ăn nổi tiếng ở Kim Lăng, Nam Kinh; tập tục đốt đấu hương của người Giang Tô,….

Các tập tục đón Tết Trung thu của các dân tộc thiểu số

Tết Trung thu không chỉ là tết của riêng người Hán, những dân tộc thiểu số ở những địa phương khác cũng có những hoạt động rất riêng để chuẩn bị chào đón cho lễ hội truyền thống này. 

  •  Tộc người Tạng có hoạt động “tìm trăng”. Vào buổi tối ngày Tết Trung thu, các nam thanh nữ tú và trẻ em cùng nhau men theo dòng nước chảy, vây quanh các đầm hồ lân cận để “bắt” hết những ánh trăng in bóng lên mặt nước, sau đó là về nhà ăn bánh trung thu cùng với gia đình.
  • Tộc người Mông Cổ thích chơi trò “đuổi trăng”. Mọi người sẽ cưỡi trên lưng những cọn ngựa khỏe, thỏa sức phi nước đại trên những đồng cỏ rộng lớn dưới ánh trăng bạc. Bọn họ cứ cho ngựa chạy về phía Tây như đang đuổi theo Mặt Trăng, chừng nào Mặt Trăng chưa chịu lặn thì trò chơi này vẫn chưa dừng.
  • Tộc người Triều Tiên lại có tục xây “giá ngắm trăng” bằng thân cây gỗ và nhánh cây Tùng. Khi trăng lên cao, những người già trong tộc sẽ trèo lên tòa tháp đó để ngắm trăng, sau khi ngắm trăng xong sẽ châm lửa đốt tháp, người trong tộc cùng nhau nhảy khúc “nông gia lạc vũ” cạnh đống lửa.

Tết Trung thu quả là một dịp lễ thú vị đúng không nào? ChineseHSK hi vọng bài viết về Tết Trung thu của người Trung Quốc trên đã cung cấp cho bạn nhiều kiến thức hữu ích về một trong các ngày lễ quan trọng trong văn hóa Trung Hoa. Đừng quên đón đọc nhiều bài viết khác của chúng mình nữa nhé.

Xem thêm chuyên mục Từ vựng tiếng Trung:

0/5 (0 Reviews)
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *