Trung Quốc là đất nước có bề dày lịch sử và nền văn hóa đa dạng. Dù là quá khứ hay hiện tại nước ta ít nhiều đều chịu sự ảnh hưởng nhất định từ những phong tục, lối sống, tư tưởng hay văn hóa từ Trung Quốc. Một trong số đó là tư tưởng Tam cương ngũ thường của hệ tư tưởng Nho giáo. Cùng ChineseHSK tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Tam cương ngũ thường là gì?
Tam cương ngũ thường 三纲五常 (sān gāng wǔ cháng) là một thành ngữ Trung quốc, là tiêu chuẩn đạo đức giữa người với người mà Lễ giáo phong kiến đề ra. “Tam cương ngũ thường” là chuẩn mực cho nam giới, tương tự như chuẩn mực “Tam tòng tứ đức” của người phụ nữ.
“Tam cương ngũ thường” thể hiện các mối quan hệ khác nhau của toàn bộ xã hội phong kiến và trở thành tư tượng chỉ đạo trong lập pháp thời bấy giờ. “Tam cương ngũ thường” là “vũ khí” tư tưởng mà giai cấp thống trị khống chế tư tưởng của nhân dân, ngăn cản nhân dân “làm loạn”.
Nguồn gốc của “Tam cương ngũ thường”
Quan niệm về “Tam cương” có từ Pháp gia, nhưng thực ra Pháp gia bắt nguồn từ Nho gia. Bắt đầu từ Đổng Trọng Thư, Nho gia mới có cách nói” Tam cương ngũ thường”. Tam cương xuất hiện sớm từ quyển “Xuân Thu phồn lộ” của Đổng Trọng Thư – nhà tư tưởng nổi tiếng thời Tây Hán. Ban đầu, nó có nguồn gốc từ Khổng Tử, sau đó kế thừa sự tiến bộ của Mạnh Tử “Phụ tử hữu thân, quân thần hữu nghĩa, phu phụ hữu biệt, trưởng ấu hữu tự, bằng hữu hữu tín, thử nhân chi đại luân dã. Dã tựu thị ngũ luân” ( Cha – con có tình thân, vua – thần có đạo nghĩa, vợ – chồng có sự khác biệt, lớn – nhỏ có tôn ti trật tự, bạn bè phải có sự tin tưởng) và quy phạm đạo đức của “Ngũ luận”.
“Tam cương” là gì?
“Tam cương” 三纲(sān gāng)chính là chỉ ba kiểu mối quan hệ trong xã hội. Tam là ba, cương là đầu mối, đại cương, khái quát. “Tam cương” là những lí luận giữa cha con, vua thần, phu thê (vợ chồng) với nhau. Trong “cha – con”, “vua – thần” và “phu – thê” người đứng trước sẽ có vị trí chủ đạo, lãnh đạo, người phía sau cần phải tôn kính người phía trước.
Tam cương trong tiếng Trung là “君为臣纲,父为子纲,夫为妻纲”
“Tam cương” yêu cầu người có bổn phận là thần, con cái, vợ bắt buộc phải phục tùng tuyệt đối Vua, cha, chồng. Trong đó Vua, cha, chồng phải là tấm gương sáng và là chuẩn mực trong xã hội. “Tam cương” phản ánh mối quan hệ đạo đức đặc trưng của xã hội phong kiến.
Ngũ thường là gì?
“Ngũ thường” thường chỉ nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Là năm đức tính cần có của mỗi người.
- 仁(rén)Nhân: Là “tâm” của “Đạo”, là bác ái, nhân từ, nhắc con người cần có lòng đồng cảm và nhân ái, biết yêu thương và giúp đỡ mọi người.
- 礼(lǐ)Lễ: Là lễ nghi lễ giáo. Là những nghi thức và chuẩn mực sống cơ bản được xây dựng để chuẩn hóa đạo đức. Lễ nhắc con người phải biết lễ nghĩa, kính trên nhường dưới.
- 义(yì)Nghĩa: Là lẽ phải, nhắc con người phải sống có đạo lí, có chính nghĩa và ngay thẳng.
- 智(zhì)Trí: Là trí tuệ, sự thông minh và sáng suốt của con người. Phải biết nhìn nhận thấu đáo sự việc, biết phân biệt đúng sai phải trái.
- 信(xìn)Tín: Là đức tín, nhắc con người phải biết giữ chữ tín, nói lời phải giữ lấy lời để được mọi người tin tưởng.
“Ngũ thường” là năm đức tính mà nam giới sống trong xã hội phong kiến cần phải có, là chuẩn mực đạo đức cơ bản phải rèn luyện.
So sánh Tam tòng tứ đức với Tam cương ngũ thường
“Tam cương ngũ thường” là chuẩn mực đạo đức dành cho nam giới trong xã hội phong kiến, còn “Tam tòng tứ đức” là những tiêu chuẩn đạo đức mà người phụ nữ phải theo. Khổng Tử nói rằng, chỉ cần xã hội tuân theo các chuẩn mực này thì xã hội sẽ được an bình, hạnh phúc.
Xem thêm chuyên mục khám phá trung hoa
Tam tòng tứ đức là gì?
“Tam tòng tứ đức” 三从四德 (sāncóngsìdé)là một trong những tiêu chuẩn đạo đức của Nho giáo, là quy định mang tính nghĩa vụ đối với người phụ nữ phương Đông trong xã hội phong kiến. Dựa theo nguyên tắc “Nội ngoại hữu biệt” (sự phân công xã hội của nam nữ khác nhau), Tam tòng tứ đức là bổn phận mà lễ giáo Nho gia yêu cầu người phụ nữ phải rèn luyện và tu dưỡng.
“Tam tòng” 三从 (sān cóng) là ba điều mà người phụ nữ phải tuân theo. “Tam” là ba, “tòng” nghĩa là theo, tuân theo. “Tam tòng” gồm có “未嫁从父,既嫁从夫,夫死从子”, theo cách nói của người Việt là “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”
- 未嫁从父 (Wèi jià cóng fù) : nếu chưa gả đi, phải nghe theo cha
- 既嫁从夫 (Jì jià cóng fū) : nếu đã gả đi ( đi lấy chồng) phải theo chồng, phụ giúp chồng
- 夫死从子 (Fū sǐ zòng zǐ) : nếu chồng qua đời, cả quãng đời còn lại phải ở “góa”, chăm sóc và nuôi dạy con cái
Quy định “Tam tòng” trói buộc người phụ nữ khi đã lấy chồng là đã trở thành người nhà chồng, dù hoàn cảnh có như thế nào cũng phải theo chồng chứ không được nương tựa bất cứ ai.
“Tứ đức” là bốn đức tính người phụ nữ trong xã hội phong kiến phải có. Là giáo lí gắn bó với “Tam tòng”. “Tứ đức” bao gồm “妇德、妇言、妇容、妇功” theo người Việt mình hay nói là “Công, dung, ngôn, hạnh”
- 妇功 (Fù gōng) Công: (khéo léo) nữ công gia chánh ( bếp núc, dệt may, buôn bán, cầm kì thi họa), biết chăm sóc nhà cửa, nuôi dạy con cái
- 妇容 (Fù róng) Dung: (dung mạo) biết chăm sóc diện mạo của bản thân và giữ gìn nhan sắc
- 妇言 (Fù yán) Ngôn: (lời ăn tiếng nói) biết ăn nói khéo léo, dịu dàng, chuẩn
- 妇德 (Fù dé) Hạnh: (phẩm hạnh) phải nết na, hiền thục
Người phụ nữ trong xã hội phong kiến phải tuân theo chuẩn mực “Tam tòng tứ đức”. Người phụ nữ có đủ những đức tính trên, sẽ xây dựng được chữ “gia” đúng nghĩa, gia đình sẽ ấm no, hạnh phúc.
Tam cương ngũ thường và Tam tòng tứ đức trong xã hội ngày nay?
Xã hội ngày càng văn minh hiện đại, đất nước ngày càng phát triển, “Tam cương ngũ thường” hay “Tam tòng tứ đức” đã không còn là chuẩn mực dùng để đánh giá phẩm chất của bất cứ ai. Vì nam nữ là bình đẳng, phụ nữ bây giờ đã có rất nhiều điều kiện để mở mang tri thức, xây dựng kinh tế, độc lập tài chính, không còn phải dựa dẫm vào người đàn ông như ngày xưa. Vai trò của người phụ nữ ngày càng quan trọng trong xã hội.
Song trong những chuẩn mực này, vẫn có những điểm chúng ta cần duy trì và học hỏi. Trong “Tam cương ngũ thường” mối quan hệ giữa “vua – thần” được thay thể bằng tình yêu Tổ quốc. Là một công dân Việt Nam, ai cũng có nghĩa vụ và bổn phận bảo vệ và xây dựng đất nước. Mối quan hệ giữa cha với con, vợ với chồng phải hòa thuận, phải biết yêu thương, chăm sóc lẫn nhau. Không có ai phục tùng ai, thiên vị ai hay địa vị ai cao hơn. Vì trong xã hội hiện đại, nam nữ là bình đẳng.
Còn trong “Tam tòng tứ đức” , “Công, dung, ngôn, hạnh” vẫn là những đức tính cần có của người phụ nữ hiện đại. Song chuẩn mực này không còn khắt khe và mang tính áp đặt như thời xưa nữa. Nếu ứng dụng những chuẩn mực này một cách phù hợp, xã hội sẽ ngày càng văn minh.
ChineseHSK hi vọng bài viết về ý nghĩa của tư tưởng “Tam cương ngũ thường” này sẽ giúp ích cho các bạn !
Hãy cùng tham gia kênh youtube của trung tâm để học thêm nhiều bài học do trung tâm biên soạn.