Sườn xám hay còn gọi là xường xám là trang phục truyền thống và tinh hoa văn hóa của Trung Quốc. Từ lâu, sườn xám đã trở thành bộ trang phục không thể thay thế của chị em phụ nữ.
Cùng với nét phóng khoáng, tự nhiên sườn xám đã tôn lên được vẻ đẹp thanh lịch và quý phái của người phụ nữ Trung Hoa.
Hãy cùng ChineseHSK tìm hiểu và ngắm nhìn thật kĩ nét đẹp của bộ trang phục này nhé!
Nguồn gốc và lịch sử hình thành phát triển của sườn xám
Sườn xám, tên tiếng Trung là 旗袍 (qí páo), hay còn gọi là xường xám. Người Việt hay gọi là áo dài Thượng Hải, xuất phát từ cách phát âm của tiếng Quảng Đông là trường sam, tiếng Trung là 長衫 (chángshān) nghĩa là áo dài. Là trang phục truyền thống của Trung Quốc.
Sườn xám bắt nguồn từ thời Mãn Thanh, là trang phục bắt buộc cho thiếu nữ triều đình lúc bấy giờ. Vua Nỗ Nhĩ Cáp Xích sau khi thống nhất các quận phủ đã thúc đẩy chế độ bát tộc.
Dân tộc Mãn được gọi là người Kì, trang phục của họ được gọi là kì trang hay sườn xám dành cho cả nam và nữ. Đó là kiểu cổ cao tròn, ống tay hẹp, mặt phải áo vê chỉ chặt, bốn mặt vạt áo đều xẻ, có khuy chặn, thắt đai lưng, bề mặt chất liệu dùng nhiều loại da thuộc.
Từ những năm hai mươi, Trung Quốc chịu ảnh hưởng mãnh liệt bởi tư tưởng văn hóa phương Tây, phụ nữ Thượng Hải mạnh dạn hơn khi từ bỏ kiểu cách cũ của sườn xám.
Với sự kết hợp độc đáo giữa văn hóa phương Đông và phương Tây đã thổi một luồng gió mới tạo nên bộ trang phục cải tiến hơn, mang dấu ấn thời thượng.
Sự phân tầng sâu sắc trong xã hội Trung Quốc cũng đem lại cho sườn xám nhiều cơ hội tốt. Dần dần, sườn xám trở thành một trang phục riêng, khác hẳn với “Kỳ bào” Mãn Thanh nguyên thuỷ.
Khẩu hiệu giải phóng phụ nữ trên mọi lĩnh vực trong đó có việc tự giải phóng bản thân được phụ nữ Phương Tây phát động, cùng với chút nhu cầu làm đẹp, phụ nữ thông qua bộ trang phục này thể hiện nét đẹp cơ thể một cách tự nhiên.
Hàng loạt các xưởng dệt, nhà may đã ra đời. Thêm vào đó là sự phát triển và thăng hoa của rất nhiều ngành nghề mới như điện ảnh, quảng cáo, lăng xê… sườn xám một lần nữa trở thành bộ trang phục “đắt giá” lúc bấy giờ.
Từ những năm 1930 đến 1940 là thời kỳ huy hoàng nhất của sườn xám Trung Quốc. Sườn xám đã trở thành một phần không thể thiếu được đối với chị em phụ nữ, trở thành một biểu tượng tiêu biểu cho trang phục của phụ nữ Trung Quốc.
Thế nhưng, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền vào năm 1949, sườn xám không còn được ủng hộ như trước. Những người dân Thượng Hải khi chạy trốn sang Hồng Kông đã mang theo trang phục truyền thống này và tiếp tục kéo dài thời kì thịnh vượng của nó tại nơi đây.
Ý nghĩa của sườn xám
Sườn xám là bộ trang phục truyền thống của Trung Quốc, là sự giao thoa của văn hóa phương Đông và phương Tây, sự kết nối chặt chẽ giữa quá khứ và hiện tại, giữa nghệ thuật và hiện thực.
Sườn xám được xem là biểu tượng cho sự giải phóng phụ nữ khi chính quyền phong kiến bị lật đổ, những nhà nữ quyền bắt đầu kêu gọi giành lại quyền lợi và sự công bằng cho phụ nữ.
Với nét tự nhiên, phóng khoáng và đầy chất thơ, sườn xám làm tôn lên vẻ đẹp sang trọng, dịu dàng cũng không kém phần quý phái của người phụ nữ Trung Hoa.
Trải qua bao thăng trầm, sườn xám như là một biểu tượng được kết hợp với nhiều yếu tố khác nhau, bù đắp cho nhau, lắp đầy khiếm khuyết. Có thể nói sườn xám là bộ trang phục đã đạt đến sự hoàn mỹ của nét đẹp trong sự giao thoa văn hóa Đông – Tây.
Chiếc sườn xám ngày nay đã thoát ra khỏi bóng dáng của chiếc áo thời Mãn Thanh.
Giá trị của chúng không chỉ ở bản thân kiểu dáng trang phục mà còn dung hòa tương trợ giữa quan điểm mĩ học hiện hành Phương Tây, và lối thiết kế dân tộc truyền thống Trung Hoa.
Nó thể hiện sự thống nhất hoàn mĩ giữa tính dân tộc và thế giới. Hơn nữa còn ý nghĩa nhất định đối với việc khai thác và tìm hiểu văn hoá truyền thống dân tộc cổ kim của Trung Hoa.
Sự đa dạng về kiểu dáng và màu sắc của sườn xám
Trang phục sườn xám của Trung Quốc từ lâu đã là một nét đẹp và là niềm tự hào của dân tộc, từ lúc ra đời đến thời kỳ hưng thịnh đã có vô vàn kiểu cách khác nhau được ra đời.
Sườn xám truyền thống
Theo truyền thống, sườn xám được may bằng lụa, có thêu hoa văn ngũ sắc hay chỉ nhiều màu. Các hoa văn trên sườn xám chủ yếu dựa trên thủ pháp phác họa, thường là rồng và kỳ lân, phượng hoàng cùng tiên hạc trắng, bát tiên,… ôm lấy thân nhưng không bó sát vào cơ thể, cổ cao và tà áo thẳng.
Sườn xám thời nhà Thanh thường lấy hai màu xanh và đen làm chủ đạo, nhưng cũng có một số bộ phận thư sinh, nho sĩ mặc màu trắng, đỏ và tím. Duy chỉ có màu vàng, là màu của hoàng gia nên người thường không được phép sử dụng.
Từ những năm đầu thế kỷ hai mươi, chiếc sườn xám không còn kiểu cách và cồng kềnh như trước mà được may theo lối tối giản ngay từ khâu chọn chất liệu đến hoa văn trang trí, mà đã có sự thay đổi khá nhiều về mặt kết cấu như: cổ dựng, chỉ có hai bên vạt áo xẻ, ôm sát thân, tay áo có thể liền hoặc rời thân.
Bắt đầu từ những năm hai mươi, sườn xám xuất hiện dần dần trên đường phố Thượng Hải rồi lan sang Tô Châu, Hàng Châu, Dương Châu,…
Sau đó, do ảnh hưởng của nền văn hóa phương Tây, sườn xám đã có một vài đổi mới so với thời Mãn Thanh: Cổ áo có thể tròn, cao hoặc xẻ, tay áo tùy theo được thiết kế loe hoặc cắt ngắn. Hơn nữa, dáng áo có thể được cắt ngắn độ dài của tà, áo váy rời nhau với đường xẻ sâu để phù hợp hơn với xu hướng thời đại ngày nay.
Sườn xám cách tân
Với sự tiến bộ vượt bậc của ngành thời trang, chiếc sườn xám cũng đã có sự thay đổi đa dạng về kiểu dáng, màu sắc thiết kế, vì thế mà sườn xám cách tân ra đời.
Sườn xám cách tân của Trung Quốc được may dạng ôm hoặc suông nhẹ, để lộ rõ từng đường cong và số đo ba vòng của người mặc. Sườn xám xẻ cả hai bên tà cao đến bắp đùi, chỉ vừa đủ để chùm mông và không cần mặc kèm quần dài hay chân váy ở bên trong.
Sườn xám Trung Quốc thường sử dụng các chất liệu dày dặn, đứng dáng, như gấm, lụa thô, ren… có thể làm từ nhung hoặc thun cotton. Nhưng, phổ biến nhất là sườn xám may từ chất liệu gấm.
Ngày nay, các hoa văn trên sườn xám thường sử dụng các thiết kế tranh thủy mặc của Trung Quốc. Màu sắc sườn xám cũng ngày càng đa dạng với những mẫu mã bắt mắt phù hợp với phụ nữ hiện đại.
Bởi sự biến hóa đa dạng ấy, mà ngày nay xuất hiện rất nhiều mẫu mã, kiểu dáng với thiết kế mới mẻ, độc đáo được ra đời nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống của bộ trang phục, những chiếc sườn xám hiện đại cũng là một trong số đó.
Những dịp nào nên mặc sườn xám?
Thời xưa, sườn xám được sử dụng như trang phục thường ngày có thể mặc đi chơi, đi tiệc hay bất cứ đâu. Tuy nhiên hiện nay sườn xám đã không còn được sử dụng phổ biến như vậy nữa. Bởi vì tính chất đặc biệt của bộ trang phục ấy.
Sườn xám thường được người phụ nữ Trung Quốc mặc vào những dịp lễ quan trọng như Tết cổ truyền, cưới hỏi, trong những cuộc thi sắc đẹp quốc tế,...
Bên cạnh đó, các giáo viên nữ, hiệu trưởng, các bà mẹ chờ con bên ngoài cũng mặc sườn xám trong kỳ thi Đại học ngụ ý cầu mong con mang chiến thắng trở về.
Trải qua nhiều biến cố thăng trầm trong quá khứ, sườn xám vẫn tồn tại, trở thành biểu tượng thời trang của dân tộc Trung Quốc.
Khi mặc lên mình bộ trang phục ấy sẽ nhắc thế hệ sau nhớ về sự đấu tranh gian khổ của những người phụ nữ khi ấy, đời đời nhớ ơn, trân trọng món quà vô giá mà họ để lại cho người sau. Cũng bởi vì lẽ đó qua bao đời nay, sườn xám vẫn là biểu tượng cao đẹp kết nối giữa quá khứ và hiện tại, đại diện cho vẻ đẹp thanh thoát của người phụ nữ Trung Hoa cả xưa và nay.
Mỗi bộ trang phục truyền thống của mỗi quốc gia đều mang trong mình một ý nghĩa riêng rất sâu sắc và đẹp đẽ, sườn xám cũng thế. Nếu có cơ hội thì hãy thử khoác lên mình bộ trang phục ấy các bạn nhé! Còn rất nhiều điều thú vị ở đất nước Trung Quốc này, hãy cùng ChineseHSK tiếp tục khám phá và tìm hiểu nhé!