Học tiếng Trung cơ bản – Bài 1: “你好 Xin chào”

1 1

Học tiếng Trung đang là xu thế “làm mưa làm gió” trong vài năm trở lại đây. Nhu cầu học tiếng Trung ngày càng tăng cao và tăng nhanh. Để phục vụ cho nhu cầu tự học tiếng Trung cơ bản của học viên, ChineseHSK xin gửi đến quý bạn đọc series bài học tiếng Trung cơ bản theo Giáo trình Hán ngữ quyển 1. Chúng ta bắt đầu vào nội dung bài học 1 “你好 Xin chào” , mọi người nhớ ghi chép đầy đủ nha!

Mỗi bài học trong series này sẽ bao gồm những nội dung chủ yếu như sau:

  • Ngữ âm
  • Từ vựng
  • Bài khóa
  • Ngữ pháp
  • Bài tập

Thanh mẫu trong tiếng Trung

Mỗi âm tiết trong tiếng Trung thường được cấu tạo bởi ba phần: Thanh mẫu, Vận mẫu và Thanh điệu. Tiếng Trung có 21 thanh mẫu, 36 vận mẫu và 4 thanh điệu.

Ví dụ:  Trong chữ 好 hǎo

  • Thanh mẫu: h
  • Vận mẫu: ao
  • Thanh điệu: v

Tiếng Hán phổ thông hiện đại có hơn 400 âm tiết, phụ âm mở đầu của âm tiết gọi là thanh mẫu. Tiếng Trung có 21 thanh mẫu: b, p, m, f, d, t, n, l, zh, ch, sh, r, j, q, x, g, k, h.

Trong bài 1 “你好 Xin chào”, chúng ta sẽ học 11 thanh mẫu: b, p, m, f, d, t, n, l, g, k, h.

Âm hai môi: b, p, m
Bộ phận phát âm: môi trên, môi dưới.

Cách phát âm của b, p, m:

  • b: hai môi khép chặt, khoang miệng chứa đầy hơi, nhanh chóng mở hai môi để luồng khi thoát ra tạo nên âm thanh. Không bật hơi.
  • p: vị trí phát âm như b nhưng bật hơi
  • m: hai môi khép, ngạc mềm và lưỡi con hạ xuống, luồng khi ra ngoài từ khoang mũi. Không bật hơi.

Âm răng môi: f
Bộ phận phát âm:  răng trên, môi dưới

Cách phát âm của f: răng trên tiếp xúc với môi dưới, luồng hơi thoát ra ngoài nhờ ma sát.

Âm đầu lưỡi giữa: d, t, n, l
Bộ phận phát âm: đầu lưỡi, lợi

Cách phát âm của d, t, n, l

  • d: đầu lưỡi chạm vào chân răng
  • t: vị trí phát âm như d, bật hơi.
  • n: đầu lưỡi chạm vào lợi trên, hạ ngạc mềm và lưỡi con xuống.
  • l: đầu lưỡi chạm vào lợi trên, đầu lưỡi lùi về sau nhiều hơn, luồng hơi theo hai bên đầu lưỡi đi ra ngoài.

Âm cuống lưỡi: g, k, h
Bộ phận phát âm: cuống lưỡi, ngạc mềm

Cách phát âm của g, k, h

  • g: cuống lưỡi nâng cao sát ngạc mềm, trữ hơi và hạ nhanh phần cuống lưỡi xuống để hơi bật ra ngoài
  • k: vị trí phát âm như g nhưng bật hơi
  • h: cuống lưỡi tiếp cận với ngạc mềm, luồng hơi từ khoang giữa ma sát đi ra.

Vận mẫu

Vận mẫu trong tiếng Trung tương đương với “vần” trong tiếng Việt. Tiếng Trung có 36 vận mẫu, 6 vận mẫu đơn và 30 vận mẫu kép.

Trong bài này, chúng ta sẽ học các vận mẫu sau đây:

Vận mẫu đơn: a, o, e, i, u, ü

Vận mẫu kép: ai, ei, ao, ou

Để phát âm đúng các vận mẫu kép, các bạn nên đọc trượt từ nguyên âm thứ nhất sang nguyên âm thứ hai.

Ví dụ: vận mẫu ai, ta đọc trượt từ a -> i

Quy tắc viết các vận mẫu i, u, ü

i, u, ü có thể tự biến thành âm tiết. Khi viết, chúng ta áp dụng quy tắc sau đây:

  • i -> yi
  • u -> wu
  • ü -> yu

Bạn nên nắm rõ quy tắc viết này để phát âm đúng từng âm tiết trong tiếng Trung nhé, đặc biệt lưu ý về wu và yu để tránh nhầm lẫn.

Ghép âm

Khi đã biết cách đọc các thanh mẫu và vận mẫu, chúng ta sẽ tiến hành ghép các thanh mẫu và vận mẫu để luyện phát âm.

BANG PHIEN AM

Thanh điệu

Trong tiếng Trung, để phát âm đúng, ngoài biết cách đọc các thanh mẫu và vận mẫu, bạn cần phải nắm rõ cách đọc các thanh điệu. Tiếng Trung có 4 thanh điệu chính, lần lượt là thanh 1, thanh 2, thanh 3, thanh 4. Mỗi thanh điệu có những đặc điểm về độ cao khác nhau.

  • Thanh 1  : Độ cao 55, đọc đều, bình bình. Kí hiệu là –
    Ví dụ: mā
  • Thanh 2  : Độ cao 35, đọc từ thấp lên cao. Kí hiệu là /
    Ví dụ: má
  • Thanh 3  : Độ cao 214, đọc từ cao xuống thấp rồi lên cao hẳn. Kí hiệu là v
    Ví dụ: mǎ
  • Thanh 4 : Độ cao 51, đọc mạnh, độ cao từ cao xuống thấp. Kí hiệu là \
    Ví dụ: mà

Để luyện phát âm những thanh điệu này một cách chính xác nhất, hiệu quả nhất, các bạn nên áp dụng câu thần chú ” ā – á – ǎ – à ” để luyện đọc mỗi ngày.

Quy tắc viết thanh điệu

Thanh điệu trong tiếng Trung tương đương như “dấu” trong tiếng Việt. Trong tiếng Trung có 4 thanh điệu chính: thanh 1, thanh 2, thanh 3. thanh 4. Vậy chúng ta viết kí hiệu thanh điệu lên âm tiết như thế nào?

  • Viết thanh điệu trên nguyên âm chính.
    Ví dụ : hǎo, lǎo, bǎi, měi, dǎo …
  • Khi nguyên âm i mang thanh điệu phải bỏ dấu chấm ở trên đi.
    Ví dụ: nī,ní, nǐ, nì, yī, yí, yǐ, yì
  • Khi vận mẫu của âm tiết có hai hoặc hơn hai nguyên âm thì ta viết kí hiệu thanh điệu trên nguyên âm có độ mở của cửa miệng lớn nhất.
    Ví dụ: lǎo, hǎo, guǒ,gěi, dǎo, …

Biến thiệu của thanh 3

Khi hai âm tiết mang hai thanh 3 đứng cạnh nhau, thanh 3 phía trước sẽ lên giọng, đọc giống thanh 2.

Ví dụ:
古老 gǔlǎo -> gúlǎo
美好 měihǎo -> méihǎo
水果 shuǐguǒ -> shuíguǒ

Cùng luyện tập các từ vựng biến điệu thanh 3 dưới đây nha!
你好 nǐ hǎo -> ní hǎo : xin chào
美好 měihǎo -> méihǎo: tốt đẹp
五百 wǔ bǎi -> wú bǎi: năm trăm
北海 Běihǎi -> Béihǎi: Bắc Hải
给你 gěi nǐ -> géi nǐ: cho bạn
语法 yǔfǎ -> yúfǎ: ngữ pháp
可以 kěyǐ -> kéyǐ: có thể
辅导 fǔdǎo -> fúdǎo: phụ đạo

Từ vựng bài 1 “你好 Xin chào”

  1. 你 (nǐ):đại từ ( nhĩ )
    Nghĩa: ( ngôi thứ hai tương tự như you trong tiếng Anh ), anh, chị, cậu, bạn, ông, bà, …
  2. 好(hǎo):tính từ ( hảo)
    Nghĩa: tốt, đẹp, ngon, hay, khỏe, …
  3. 你好(nǐhǎo):câu chào hỏi
    Nghĩa: Xin chào!
  4. 一(yī):số đếm ( nhất )
    Nghĩa: một
  5. 五(wǔ):số đếm ( ngũ )
    Nghĩa: năm
  6. 八(bā):số đếm ( bát )
    Nghĩa: tám
  7. 大(dà):tính từ ( đại )
    Nghĩa: to, lớn
  8. 不(bù):phó từ ( bất )
    Nghĩa: không, chẳng
  9. 口(kǒu):danh từ, lượng từ ( khẩu )
    Nghĩa: miệng
    – > 人口 ( rénkǒu ):nhân khẩu, dân số
  10. 白(bái):tính từ ( bạch )
    Nghĩa: màu trắng
  11. 女(nǚ):tính từ ( nữ )
    Nghĩa: nữ, phụ nữ, con gái
  12. 马(mǎ):danh từ ( mã )
    Nghĩa: con ngựa

Sau khi học xong 12 từ vựng này, bạn có thể vận dụng chúng để ghép chữ theo công thức Tính từ + Danh từ. Làm như vậy sẽ giúp bạn mở rộng vốn từ vựng của mình sau mỗi bài học đó.

Ví dụ:

  • 白(bái): trắng
  • 大(dà): to, lớn
  • 马(mǎ): con ngựa

→ 白马 (bái mǎ):con ngựa trắng

→ 大马 (dà mǎ) : con ngựa lớn

Một số từ ghép từ các từ vựng của bài 1:

  • 不好 (bù hǎo):không khỏe
  • 不白(bù bái):không trắng
  • 白马(bái mǎ):con ngựa trắng
  • 大马(dà mǎ):con ngựa lớn
  • 大口(dà kǒu):cái miệng lớn

Bài khóa “你好 Xin chào”

A:你好!(nǐ hǎo)Xin chào!

B:你好!(nǐ hǎo)Xin chào!

Ngữ pháp bài 1 ” 你好 Xin chào”

Trong bài học số 1 “你好 Xin chào” bạn cần ghi nhớ một số điểm ngữ pháp để tạo dựng nền tảng ngữ pháp cơ bản cho những bài học tiếp theo như sau:

Cách chào hỏi trong tiếng Trung

你好(nǐhǎo):Xin chào

Đây là cách chào hỏi cơ bản nhất trong tiếng Trung. Tuy nhiên chào 你好 có phần sách vở và học thuật, trong tiếng Trung có rất nhiều cách chào hỏi khác thông dụng phổ biến và thể hiện sự thân thiết hơn.

Khi muốn chào một ai đó, ngoài 你好(nǐhǎo), chúng ta có thể chào theo công thức:

Tên người + 好 

Ví dụ:

海燕好!(Hǎiyàn hǎo)Chào Hải Yến!
明凤好!(Míng fèng hǎo)Chào Minh Phượng!

Chức vụ ( Nghề nghiệp) + 好

老师好!(Lǎoshī hǎo)Em chào thầy! (Em chào cô!)
董事长好!(Dǒngshì zhǎng hǎo)Chào chủ tịch!

Ngoài ra, khi gặp gỡ bạn bè, người quen thân thiết bạn cũng có thể chào 嗨(hāi)、哈喽 (hā lóu)

Cách sử dụng 不 (bù)

不 + Tính từ

  • 不好 (bù hǎo):không tốt, không khỏe
  • 不大(bù dà):không to, không lớn
  • 不白(bù bái):không trắng

Cách sử dụng Tính từ + Danh từ

Cùng ChineseHSK xem ví dụ này trước nha!

Ví dụ: Ngựa trắng

Trong từ “Ngựa trắng”, Ngựa ( Danh từ ), Trắng ( Tính từ ). Trong ví dụ này, Tính từ ( Trắng ) đứng sau Danh từ ( Ngựa )

Khác với ngữ pháp tiếng Việt, trong tiếng Trung, 形容词 ( hình dung từ) tính từ đứng trước 名词 danh từ để bổ nghĩa cho danh từ.

Ví dụ:
白马 (bái mǎ ): ngựa trắng
大吗(dà mǎ): ngựa to
好马(hǎo mǎ): ngựa tốt

Trong bài viết này, ChineseHSK vừa giới thiệu đến các bạn nội dung chi tiết của bài học số 1 “你好 Xin chào”. Hi vọng bài học này sẽ hỗ trợ các bạn nhanh tiến bộ trong quá trình tự học tiếng Trung. Để nhớ lâu hơn, hãy luyện phát âm thật nhiều, học kĩ từ vựng và vận dụng chúng thường xuyên nhé. ChineseHSK chúc các bạn học tốt!

xem tiếp học tiếng Trung cơ bản bài 2 tại đây.

5/5 (1 Review)
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *