CÁC MÓN ĂN VẶT TRUNG QUỐC

DO AN VAT

Học tiếng Trung lâu thế rồi, bạn có biết ở Trung Quốc có những món ăn vặt đường phố nào nổi tiếng không? Sau đây ChineseHSK sẽ chỉ ra sáu món ăn vặt phổ biến nhất ở Trung Quốc. Bạn có biết hết những món này không?

Bún ốc – 螺蛳粉(Luósī fěn)

BUN OC

Bún ốc là một món ăn nhẹ nổi tiếng “khắp thế giới” có xuất xứ từ thành phố Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Món ăn này xuất hiên vào khoảng cuối những năm 70 của thế kỷ XX, tuy lịch sử khá ngắn nhưng món bún ốc này là một trong những niềm tự hào của người dân Trung Quốc。

Thành phần chính của món bún ốc gồm: ốc, bún, măng chua, dầu ớt, rau cải xanh, cà rốt khô, mộc nhĩ, tàu hũ ki, đậu phộng và rất nhiều món ăn kèm khác như trứng chiên, giò heo, xúc xích, các món hầm,… tùy theo sở thích của mỗi người.

Một tô bún ốc chuẩn vị phải hội thụ đủ năm yếu tố: cay, thanh, tươi, chua, nóng. Thiếu đi bất kỳ một vị nào cũng không thể thành một tô bún ốc đúng vị được.

Đối với những người lần đầu tiên ăn món bún ốc này có thể sẽ nhăn mặt vì mùi “hôi” đặc trưng của nó, nhưng đối với người gốc Liễu Châu, Quảng Tây thì đây chính là hương vị thân quen của quê nhà, thậm chí “một ngày không ngửi thấy sẽ nhớ, ba ngày không ngửi thấy sẽ “điên””. Còn những người đã trót “phải lòng” món ăn đặc sắc này sau lần ăn đầu tiên dần dà cũng không cảm thấy “hôi” nữa mà chuyển sang yêu thích mùi vị ấy.

Mùi hương đặc trưng ấy được cho là xuất phát từ món măng chua trong món bùn ốc. Bạn hỏi có thể bỏ măng chua đi được không hả? E rằng nếu bỏ măng tây đi thì đó không phải là món bún ốc đặc trưng của Trung Quốc nữa rồi.

Tới vùng đất Liễu Châu, Quảng Tây, Trung Quốc, bạn sẽ được thưởng thức một tô bún ốc đầy ụ với nước cốt được ninh hầm trong nhiều giờ, nguyên liệu được chọn lựa kĩ càng. Ngay từ miếng ăn đầu tiên đã có thể cảm nhận được vị chua cay xộc thẳng vào mũi, nước lèo đậm vị ốc tươi thấm vào từng sợi bún dai mềm thơm ngon, rau xanh giòn cùng với vô vàn nguyên liệu khác ăn kèm. Ắt hẳn rằng món bún ốc này sẽ không làm bạn thất vọng đâu.

Hiện nay trên thị trường thương mại điện tử cũng bày bán rất nhiều loại bún ốc đóng gói tới từ nhiều nhãn hiệu khác nhau, được biết đến nhiều nhất có thể nói đến thương hiệu bún ốc Lý Tử Thất, các bạn có thể mua về thưởng thức thử. Tuy đồ đóng gói không có đầy đủ nguyên liệu như khi bạn ăn ở cửa tiệm chính gốc nhưng đây cũng là một trải nghiệm nên thử mà.

Kẹo hồ lô – 糖葫芦(Tánghúlu)

KEO HO LO

Nhắc đến kẹo hồ lô là chúng ta sẽ nghĩ ngay tới thành phố Bắc Kinh – thủ đô của Trung Quốc. Nguyên liệu chính của món kẹo hồ lô này là quả Sơn Tra – một loại quả khi chưa chín thì chua chẳng kém chanh, nhưng khi chuyển đỏ thì vị lại dịu hơn nhiều, và không thể thiếu chính là lớp đường bóng bẩy giòn giòn được ngào xung quanh trái Sơn Tra rồi.

Kẹo hồ lô có vị chua chua của quả Sơn Tra kết hợp với vị ngọt của lớp đường mỏng ngào bên ngoài khiến cho người ta ăn hoài không ngấy. Ăn kẹo hồ lô có nhiều công dụng cho sức khỏe như khai vị hỗ trợ tiêu hóa, dưỡng nhan, giảm mệt mỏi, thanh nhiệt.

Tương truyền kẹo hồ lô bắt nguồn từ thời Tống. Vào thời điểm ấy, có một vị Hoàng quý phi trong cung đột nhiên mất hứng thú ăn uống, chữa trị thế nào cũng không khỏi. Có người mách nước lấy quả Sơn Tra nấu chung với đường cho Hoàng quý phi ăn thường xuyên, cuối cùng cũng thành công chữa khỏi căn bệnh chán ăn ấy. Sau sự kiện ấy, kẹo hồ lô truyền vào dân gian được coi như một vị thuốc chữa bệnh và bây giờ nó đã trở thành một món ăn vặt quen thuộc với nhiều thế hệ người dân Trung Quốc.

Ngày nay, kẹo hồ lô đã được thay đổi khá nhiều. Nguyên liệu để làm ra loại kẹo hồ lô không bắt buộc là quả Sơn Tra nữa mà có thể là bất kì loại trái cây nào có hình dáng tương tự như táo, mận, dâu,…

Người Trung Quốc còn dành riêng ngày 9/1 để tổ chức lễ hội kẹo hồ lô ở Thanh Đảo đấy. Nếu bạn muốn thưởng thức loại kẹo đặc biệt này thì link đặt vé tới Thanh Đảo ở đây nha

Hình ảnh từng quả Sơn Tra đỏ mọng, to tròn được xiên ngay ngắn thành que dài khiến người dân Trung Quốc liên tưởng tới sự đầy đủ, nên cây kẹo hồ lô cũng được coi là một trong những biểu tượng về sự sung túc, may mắn trong lòng người Trung Quốc.

Đậu phụ thối – 臭豆腐(Chòu dòufu)

DAU PHU THOI

Lại một món ăn vặt quen thuộc nữa – món đậu phụ thối. Cái tên nói lên tất cả, món ăn vặt này cũng nổi tiếng vì mùi hương “đậm đà” của mình. Có người còn nói đùa rằng, đầu ngõ bán đậu phụ thối, tận cuối ngõ cũng có thể ngửi thấy mùi. Nặng mùi là thế nhưng để trở thành một trong những món ăn vặt truyền thống nổi tiếng ở Trung Quốc thì cũng không phải không có lí do. Tuy đậu phụ thối mùi khá nặng nhưng khi ăn vào lại rất ngon, ngon đến mức người ta vẫn bất chấp mùi để tiếp tục thưởng thức món này đấy.

Nói tới đậu phụ thối không thể không nhắc tới thành phố Trường Sa, Trung Quốc. Đậu phụ thối ở đây có lớp vỏ ngoài màu đen, giòn giòn, bên trong mềm có mùi đặc trưng. Bản thân đậu phụ thối không có vị quá rõ, vị của đậu hũ thối được tạo ra chủ yếu nhờ lớp sốt cay cay mằn mặn được rưới kèm.

Quá trình để làm ra được một phần đậu phụ thối không hề dễ dàng. Đậu phụ cho món này không phải loại đậu phụ mềm chúng ta ăn hằng ngày mà lại cứng hơn. Từng miếng đậu phụ phải được ủ trong nước nấu đậu Lưu Dương – một loại đậu màu đen, có vị đắng, cùng với nhiều nguyên liệu khác nhau như Bát Giác, Hương diệp, Hương quả, Thảo quả… Đậu phụ được ngâm trong một khoảng thời gian nhất định và xử lí qua nhiều công đoạn nữa mới được mang đi rán. Như vậy màu đen của món đậu phụ thối này chính là màu nước nấu đậu đen Lưu Dương đó và nước ngâm đậu hũ chính là bí quyết tạo nên hương vị riêng của từng miếng đậu phụ.

Tùy địa phương và công thức nước ngâm đậu hũ, hương vị của đậu hũ cũng khác nhau, từ đó tạo nên những danh tiếng khác nhau.

Chè đậu đỏ – 红豆汤(Hóngdòu tāng)

CHE DAU DO

Chè đậu đỏ là một món ăn quen thuộc đối với giới trẻ Trung Quốc hiện nay. Chè đậu đỏ được bán quanh năm nhưng đặc biệt vào dịp lễ Thất Tịch 7/7 âm lịch hằng năm, món chè này lại càng được bày bán rầm rộ. Ẩn đằng sau bát chè này là cả một câu chuyện tình yêu cảm động đấy.

Vào thời xa xưa khi giặc giã còn triền miên, có người thiếu phụ nhớ thương người chồng đang tòng quân của mình nên ngày nào cũng đứng trước cửa nhà ngóng chồng quay về. Nhưng chờ hoài mà chẳng thấy bóng người thương đâu, cô buồn bã rơi nước mắt, những giọt nước mắt ấy lại nảy mầm thành cây đậu đỏ.

Từ câu chuyện trên, đậu đỏ được coi như là một “bằng chứng” của tình yêu đôi lứa. Người dân Trung Quốc tin rằng, những ai có thể ăn đậu đỏ vào ngày Thất Tịch cùng người yêu thì cặp đôi đó sẽ được hạnh phúc, ở bên nhau mãi mãi.

Món chè đậu đỏ này nguyên liệu dễ tìm, các bước làm cũng không quá phức tạp, các bạn hoàn toàn có thể ở nhà tự nấu cho mình một ly chè thanh mát giải nhiệt ngày hè mà không cần phải chờ tới dịp Thất Tịch làm gì.

Món ăn đơn giản này có rất nhiều công năng đấy, ngoài giải nhiệt ra còn có thể bổ máu, lưu thông khí huyết, giải độc, lợi tiểu, tiêu sưng vân vân.

Gần đây, Việt Nam cũng rộ hoạt động ăn chè đậu đỏ vào lễ Thất Tịch do giao thoa văn hóa, nhưng đậu đỏ trong món chè đậu đỏ ở Trung Quốc này không giống như hạt đậu đỏ ở Việt Nam đâu, các bạn đừng nhẫm lẫn nhé.

Xiên que nướng – 烤串(Kǎo chuàn)

XIEN QUE NUONG

Xiên que nướng là một món ăn vặt thường thấy trong các khu chợ đêm. Món ăn này được dựng bày bán bên lề đường với đủ mọi mùi vị, nguyên liệu khác nhau, phổ biến nhất có xiên thịt nướng, lòng nướng và trái cây nướng. Có thể nói đây chính là một món ăn đặc trưng trong đời sống thường ngày của người dân Trung Quốc.

Phần thịt nướng trong các món xiên que nướng này thường là thịt cừu, đặc biệt là phần thịt đùi sau của cừu vì phần thịt ở đây dày, nạc mỡ đan xen, khi ăn không bị quá khô hoặc quá ngấy.

Nhưng do nhu cầu cũng như khẩu vị khác nhau, xiên que nướng ngày nay đã không còn bị hạn chế trong thịt cừu nữa. Bạn có thể hoàn toàn tự do kết hợp các loại thịt và trái cây mình muốn.

Với mức giá bình dân, chế biến nhanh gọn và mùi vị thơm ngon nhiều lựa chọn, xiên que nướng đã trở thành một món ăn không thể bỏ qua khi bạn bước chân vào các sạp đồ ăn ven đường ở Trung Quốc.

Các quầy xiên que nướng thường hoạt động tấp nhập nhất từ chập tối tới gần sáng ngày hôm sau nên đây chính là món ngon cứu đói cho những thanh niên hay đói khuya.

Xiên que nướng có thể có nhiều mùi vị tùy theo từng món và từng địa phương. Nhìn chung, bất kể là mùi vị nào thì hương vị cũng đều rất đậm đà, kết hợp hoàn hảo giữa nhiều nguyên liệu tạo nên sự hòa quyện mùi vị ấn tượng ngay từ lần ăn đầu tiên.

Ngồi trên ghế nhìn ông chủ đang thoăn thoắt xoay đều từng xiên thịt kết hợp với làn khói trắng và tiếng nói cười nhộn nhịp từ khu chợ xung quanh từ lâu đã là một trải nghiệm mà bất kì người dân Trung Quốc nào cũng đã từng trải qua.

Đồ ăn vặt Trung Quốc đóng gói – 袋装零食(Dài zhuāng língshí

DO AN VAT DONG GOI

Những món ăn vặt kể trên tuy ngon nhưng các bạn trẻ Việt Nam không phải ai cũng có có hội thưởng thức tận nơi nên những món ăn vặt được đóng thành bao xuất khẩu sang Việt Nam có lẽ lại càng thân quen hơn.

Khoảng mười mấy năm về trước, từng gói que cay giá rẻ được bán trước cổng trường chính là kí ức tuổi thơ của nhiều người. Giờ đây, các món ăn này đã được đa dạng hóa với nhiều mẫu mã, mùi vị khác nhau.

Các món ăn vặt Trung Quốc đóng gói ngoài que cay thì hiện nay còn phổ biến thêm nhiều loại như đùi gà nướng mật ong Trùng Khánh, thỏ nướng sốt cay Tứ Xuyên, chân gà cay Trung Khánh, miến chua Trung Khánh, vân vân đều đang được rao bán rất nhiều trên các trang thương mại điện tử Việt Nam với giá cũng không hề mắc.

Nhìn chung những món ăn vặt đóng gói này đều mang một hương vị chung là cay và dầu mỡ – một nét đặc trưng của các món ăn ở Trung Quốc.

Tuy thường được người lớn dặn không được ăn vặt thường xuyên nhưng có mấy ai có thể cưỡng lại được hương vị vừa quen thuộc vừa độc đáo của các món ăn vặt này đâu chứ.

Thế nào, bạn có biết hết những món kể trên không? Ngoài những món ăn vặt ChineseHSK vừa kể trên ra thì bạn còn biết thêm món nào nữa không? Mách với bạn rằng, với một đất nước có hàng ngàn năm lịch sử như Trung Quốc thì ngoài ẩm thực ra vẫn còn nhiều điều đang chờ bạn khám phá nữa đấy. Cùng ChineseHSK khám phá Trung Hoa nha.

0/5 (0 Reviews)
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *