TỤC BÓ CHÂN GÓT SEN CỦA TRUNG QUỐC THỜI XƯA

TỤC BÓ CHÂN GÓT SEN CỦA TRUNG QUỐC THỜI XƯA

Từ thời xa xưa, ở Trung Quốc đã có rất nhiều quan điểm về cái đẹp như: khuôn trăng đầy đặn (mặt tròn đầy), nét ngài nở nang (thân hình đầy đặn)…. Nhưng ít ai biết được rằng Trung Quốc còn có một quan điểm về cái đẹp rất lạ lùng đó là chân càng nhỏ thì càng đẹp, quan điểm này bắt nguồn từ một tập tục truyền thống của Trung Quốc “tục bó chân gót sen“. Đây là một tập tục rất được ưa chuộng thời xưa nhưng sau này lại gây nên nhiều tranh cãi. Vì sao lại nói như vậy? Theo chân ChineseHSK để tìm hiểu về “tục bó chân gót sen” của Trung Quốc thời xưa nhé!

Lịch sử hình thành tục bó chân gót sen

Tục bó chân bắt đầu từ thời Tống (960-1279), có nhiều giả thuyết về xuất xứ của tục bó chân. Một trong những giả thuyết được nhắc đến nhiều nhất là câu chuyện về một phi tần của Hán Thành Đế tên là Triệu Phi Yến. Bà đã quấn những dải lụa quanh bàn chân và nhảy múa. Sau khi nhìn thấy ông rất ấn tượng với dáng điệu của bà khi nhảy múa trên đôi chân bó gọn nên gọi nó là “Kim Liên Tam Thốn” (Gót Sen Ba Tấc) và hạ lệnh cho những phi tần khác trong cung bắt chước theo. Một câu chuyện tương tự cũng được nhắc đến trong các tài liệu không chính thức, nhân vật chính lại là nàng Giáng Phi sống ở thời Nam Bắc Triều. Tuy khác nhau về tên nhân vật nhưng các câu chuyện trên cho thấy một điểm chung đó là tục bó chân bắt nguồn trong giới thượng lưu. Việc bó chân sau đó đã trở nên thịnh hành trong giới nữ thuộc mọi tầng lớp của xã hội Trung Quốc và dần trở thành một tập tục. Đến thế kỷ XII, tục bó chân đã trở nên phổ biến hơn nhiều và đến đầu triều đại nhà Thanh, mọi cô gái muốn kết hôn đều bị bó chân.

Nguyên nhân hình thành tục bó chân gót sen

Có nhiều lý do giải thích tại sao phong tục bó chân lại tồn tại trong suốt hàng thế kỷ nhưng có 3 lý do tiêu biểu nhất đó là: văn hóa và thẩm mỹ, biểu tượng của địa vị xã hội và kiểm soát người phụ nữ.

  • Văn hóa và thẩm mỹ: Trong quan niệm xưa, đôi chân nhỏ gọn được xem là dấu hiệu của sự dịu dàng và nữ tính. Các tác phẩm nghệ thuật, thơ ca cũng thường ca ngợi vẻ đẹp của đôi chân nhỏ. Đôi chân nhỏ nhắn, cong lại thành hình dáng như cánh sen, được gọi là “gót sen,” là biểu tượng của vẻ đẹp thanh nhã và tinh tế. Đặc biệt, “gót sen” với chiều dài từ 7-10 cm được xem là lý tưởng và được so sánh với một bông hoa sen. Không những vậy đàn ông Trung Hoa thời kỳ đó cho rằng phụ nữ có đôi bàn chân càng nhỏ thì càng được đánh giá là đẹp và quyến rũ, ai có chân to thì bị coi là xấu và khó tìm chồng. Do đó, tục bó chân được thực hiện như một tiêu chuẩn bắt buộc để phụ nữ có thể kết hôn.
  • Biểu tượng của địa vị xã hội: Bó chân là biểu tượng của địa vị cao quý và sự giàu có. Chỉ những gia đình giàu có mới có điều kiện để phụ nữ không phải lao động, nhờ đó có thể giữ cho đôi chân luôn nhỏ nhắn và thanh tao. Việc bó chân đã phân biệt phụ nữ quý tộc và phụ nữ lao động, thể hiện sự sang trọng và quyền lực của tầng lớp thượng lưu.
  • Kiểm soát người phụ nữ: Tục bó chân cũng được xem là một hình thức kiểm soát và gò bó phụ nữ. Đôi chân bị bó nhỏ khiến họ khó di chuyển, từ đó làm giảm khả năng hoạt động độc lập và buộc phụ nữ phải phụ thuộc vào đàn ông trong gia đình. Ngoài ra, việc bó chân còn được xem là một giải pháp để củng cố đức hạnh của người phụ nữ. Người ta tin rằng những người đàn bà với đôi bàn chân nhỏ sẽ không thể rời khỏi nhà dễ dàng, từ đó không thể có cơ hội quan hệ tình dục với người nào khác ngoài chồng mình.
Hình ảnh của một đôi chân bị bó đến mức biến dạng
Hình ảnh của một đôi chân bị bó đến mức biến dạng

Quá trình bó chân

Bó chân không chỉ là một phong tục mà còn là một quá trình kéo dài đầy đau đớn và để lại nhiều hệ lụy về sức khỏe. Quá trình này thường bắt đầu từ khi các bé gái còn nhỏ, khoảng 4 đến 6 tuổi, lúc xương chân vẫn còn mềm dẻo. Đây là giai đoạn phát triển quan trọng, và việc bó chân sớm sẽ giúp chân dễ dàng uốn nắn theo hình dáng mong muốn. Việc bó chân sẽ được thực hiện vào mùa đông vì vào thời điểm này chân của đứa bé sẽ trở nên tê lạnh từ đó giảm được cảm giác đau đớn khi bó chân.

  • Chuẩn bị: Bàn chân của bé gái được ngâm trong nước ấm pha thảo dược để làm mềm da và cơ. Sau đó, các móng chân sẽ được cắt ngắn và sâu (càng sâu càng tốt) để hạn chế sự phát triển của móng chân và sự nhiễm trùng. Các ngón chân (trừ ngón cái) bị bẻ gập xuống lòng bàn chân rồi được quấn chặt lại bằng lớp vải dày. Đôi khi người ta còn cắt những vết cắt sâu ở lòng bàn chân để việc bó chân dễ dàng và thuận tiện hơn.
  • Siết Chặt: Mỗi ngày, vải quấn chân sẽ được tháo ra và buộc lại, ngày càng chặt hơn để ép bàn chân co nhỏ dần. Qua thời gian, bàn chân sẽ biến dạng, các xương bị ép chặt và bàn chân chỉ còn khoảng 7-10 cm.
  • Đau đớn và hệ lụy: Quá trình này rất đau đớn và thường gây nhiễm trùng, lở loét do móng chân mọc dài đâm vào da thịt. Nhiều người đã gặp phải biến chứng nặng nề như hoại tử, rụng ngón chân, thậm chí tử vong vì nhiễm trùng lan rộng. Đối với những phụ nữ hoàn tất quá trình bó chân, đôi chân biến dạng suốt đời, khiến việc đi lại khó khăn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống.

Sự suy tàn và chấm dứt của tục bó chân

Cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, với sự phát triển của phong trào cải cách xã hội và ảnh hưởng từ các nước phương Tây, tục bó chân bắt đầu bị lên án là tàn nhẫn và lạc hậu. Các nhà cải cách tại Trung Quốc bắt đầu kêu gọi bỏ tục lệ này, cho rằng nó là sự ngược đãi và giam cầm phụ nữ.

Năm 1912, chính phủ Trung Quốc chính thức cấm bó chân. Tuy nhiên, do ảnh hưởng văn hóa sâu đậm, tục bó chân vẫn tồn tại ở một số vùng nông thôn cho đến giữa thế kỷ 20. Dần dần, dưới sự thay đổi của xã hội và áp lực của luật pháp, phong tục này đã biến mất. Ngày nay, chúng ta chỉ còn thấy một số chứng tích ít ỏi của tập tục này trên chân của một số bà cụ lớn tuổi, nó như một biểu tượng lịch sử đáng quên của xã hội phong kiến Trung Quốc.

Dưới đây là một số hình ảnh về “Tục bó chân gót sen”:

Hình ảnh về "Tục bó chân gót sen"
Hình ảnh về “Tục bó chân gót sen”
Hình ảnh đôi giày "gót sen" mà người phụ nữ phải mang sau khi bị bó chân
Hình ảnh đôi giày “gót sen” mà người phụ nữ phải mang sau khi bị bó chân
Hình ảnh người phụ nữ đang đi với đôi chân bị bó
Hình ảnh người phụ nữ đang đi với đôi chân bị bó

Kết luận

Tục bó chân gót sen là một minh chứng điển hình cho tư duy và quan điểm phong kiến về vai trò của phụ nữ trong xã hội Trung Quốc cổ đại. Việc bó chân không chỉ là biểu tượng của cái đẹp mà còn thể hiện sự gò bó, kiểm soát, và bất bình đẳng giới (trọng nam khinh nữ). Mặc dù đã bị loại bỏ, tục lệ này vẫn để lại bài học lớn về quyền con người và sự thay đổi của các quan điểm văn hóa qua thời gian.

Qua bài viết trên, ChineseHSK hy vọng bạn sẽ có thêm những kiến thức về văn hoá Trung Quốc thời phong kiến. Bạn có thể xem thêm các bài viết hay ho khác về Trung Quốc tại chuyên mục: KHÁM PHÁ TRUNG HOA

0/5 (0 Reviews)
Chia sẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *