44 BÀI HỌC TAM TỰ KINH: “NHÂN CHI SƠ, TÍNH BỔN THIỆN” – PHẦN 1

TAM TU KINH 1

Nếu có quan tâm đến Đạo Nho hay nền văn hóa Trung Quốc, hẳn là bạn đã từng ít nhất một lần nghe qua “Tam Tự Kinh” hay biết đến câu “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”, “Nhân bất học, bất tri nghĩa”. Nếu bạn chưa biết đến hay muốn tìm hiểu thêm về “Tam Tự Kinh” thì hãy cùng theo chân ChineseHSK nhé!

Tam Tự Kinh là gì?

Theo Baidu, Tam Tự Kinh (giản thể là 三字经, phồn thể là 三字經), là một cuốn sách của Trung Quốc, do ông Vương Ứng Lân  王應麟 (12231296) lần đầu biên soạn. Cuốn sách được biên soạn từ đời Tống và đến đời Minh, Thanh thì được bổ sung thêm cho trọn lịch sử các triều đại. Xưa, sách này được dùng để dạy học vỡ lòng cho các học trò Trung Quốc. Ngoài ra cuốn sách “Tam Tự Kinh” cũng được sử dụng trong nền giáo dục xưa tại Việt Nam.

Tam Tự Kinh dịch ra là Kinh ba chữ, với Kinh nghĩa là “đạo lý bất biến”. Vậy đọc qua ta có thể hiểu Tam Tự Kinh tức là những đạo lý mang giá trị to lớn, được cổ nhân đúc kết, tóm gọn qua ba chữ. Nội dung Tam Tự Kinh rất đa dạng, chủ yếu đề cập tới đạo làm người, gồm 1.140 chữ, trình bày dưới dạng ba chữ một ý, sáu chữ một câu, được đọc theo vần 3/3.

Tam Tự Kinh trọn bộ

Nội dung Tam Tự Kinh phân thành 6 phần:

  • Phần I từ “Nhân chi sơ, tính bổn thiện” (人之初,性本善) đến “Nhân bất học, bất tri nghĩa” (人不學,不知義): Đây là phần đầu tiên của cuốn Tam Tự Kinh. Nói rằng bản tính của con người là thiện lương, thông qua đó nêu lên chức phận làm cha làm mẹ, làm thầy và bổn phận của con cái.
  • Phần II từ “Vi nhân tử, phương thiếu thời” (為人子,方少時) đến “Thủ hiếu để, thứ kiến văn” (首孝弟,次見聞): Ngoài việc chăm chỉ, mày mò học tập thì con cái còn phải biết hiếu thuận, hiếu kính cha mẹ, thầy cô.
  • Phần III từ “Tri mỗ số, thức mỗ văn” (知某數,識某文) đến “Thử thập nghĩa, nhân sở đồng” (此十義,人所同): Phần này đề cập đến những kiến thức phổ thông như: cách đếm số, đếm thời tiết, ngũ hành, lục cốc,… Ngoài ra còn nhắc lại đạo làm con phải hiếu thuận với cha mẹ, hòa thuận với anh chị em.
  • Phần IV từ “Phàm huấn mông, tu giảng cứu” (凡訓蒙,須講究) đến “Văn Trung Tử, cập Lão Trang” (文中子,及老莊): Nói về cách học, đọc sách và giới thiệu những đầu sách quan trọng của Nho gia và các tác phẩm Chư tử.
  • Phần V từ “Kinh tử thông, độc chư sử” (經子通,讀諸史) đến “Tải trị loạn, tri hưng suy” (載治亂,知興衰): Đây là phần dài nhất trong cuốn Tam Tự Kinh. Phần này tóm lược toàn bộ lịch sử Trung Hoa theo trình tự thời gian từ tối cổ đến đời nhà Thanh. Đề cập tới những vấn đề then chốt, sự hưng thịnh hay suy vong mà mỗi triều đại Trung Quốc trải qua.
  • Phần VI từ “Độc sử giả, khảo thực lục” (讀史者,考實錄) đến “Giới chi tai, nghi miễn lực” (戒之哉,宜勉力): Đây là phần cuối cùng của cuốn sách Tam Tự Kinh, phần này giới thiệu những gương hiếu học điển hình cho các em noi theo. Từ Trọng Ni (Khổng Tử), các quan tướng, thi nhân đến thường dân, già trẻ hay trai gái đều có thể là những tấm gương học tập sáng ngời. Ngoài ra, ông Vương Ứng Lân có nêu rõ quan điểm tri thức mới là thứ khiến thế hệ sau phát triển, mới là thứ quý giá chứ không phải là vàng bạc, đá quý – Đây cũng chính là quan điểm phổ biến của các Nho gia.

44 bài học Tam Tự Kinh

Ngoài cách phân chia thành 6 phần như trên, Tam Tự Kinh còn được chia làm 44 đoạn tương ứng với 44 bài học nhỏ. Đây cũng là cách chia mà chúng ta thường được tiếp xúc hơn. Ở bài viết này ChineseHSK sẽ giới thiệu cho các bạn đọc 22 bài học nhỏ đầu tiên của cuốn Tam Tự Kinh.

Bài 1: Nhân chi sơ, tính bổn thiện

Tiếng HánPinyinHán ViệtNghĩa
人之初,性本善;Rén zhī chū, xìng běn shàn;Nhân chi sơ, tính bổn thiện;Người ta lúc đầu vốn có cái tính tốt lành.
性相近,習相遠。Xìng xiāng jìn, xí xiāng yuǎn.Tính tương cận, tập tương viễn.Tính ấy gần giống nhau nhưng do thói tục mà khác nhau.
苟不教,性乃遷;Gǒu bù jiāo, xìng nǎi qiān;Cẩu bất giáo, tính nãi thiên;Nếu không dạy thì cái tính ấy thay đổi.
教之道,貴以專。Jiào zhī dào, guì yǐ zhuān.Giáo chi đạo, quý dĩ chuyên.Cách giáo dục là lấy chuyên làm trọng.

Giải nghĩa:

Con người khi mới sinh ra, ai nấy cũng đều lương thiện. Vì vậy mà giúp chúng ta gần gũi, thân thuộc nhau hơn; Nhưng trong quá trình trưởng thành, hòa nhập với xã hội, tiếp xúc với nhiều môi trường khác nhau nên hình thành nên nhiều thói quen khác nhau. Từ đó cũng khiến chúng ta xa cách nhau hơn. Nếu như con người ta chẳng được giáo dục tốt thì bản tính lương thiện vốn có sẽ thay đổi theo môi trường mà họ tiếp xúc hay có thể không còn nữa. Về cách dạy dỗ con cái thì cần phải chuyên tâm, ân cần.

Bài 2: Tích Mạnh mẫu, trạch lân xứ

Tiếng Hán PinyinHán ViệtNghĩa
昔孟母,擇鄰處;Xī mèng mǔ, zé lín chù;Tích Mạch mẫu, trạch lân xứ;Mẹ thầy Mạnh lựa láng giềng.
子不學,斷機杼。Zi bù xué, duàn jīzhù.Tử bất học,đoạn cơ trữ.Con không chịu học, chặt khung thoi.
竇燕山,有義方;Dòu yànshān, yǒu yì fāng;Đậu Yên Sơn, hữu nghĩa phương;Đậu Yên Sơn biết nghĩa lý, phép tắc.
教五子,名俱揚。Jiào wǔzǐ, míng jù yáng.Giáo ngũ tử, danh câu dương.Dạy năm con đều nổi danh.

Giải nghĩa:

Ngày xưa, mẹ của ông Mạnh Tử vì muốn tìm một môi trường thích hợp để cho con học tập mà ba lần chuyển nhà. Khi thấy con trốn học đi chơi, bà liền cắt miếng vải dệt ra làm hai để dạy con: “Con đi học mà bỏ học, chẳng khác nào mẹ dệt vải mà chặt đứt nó vậy”.

Ông Đậu Yên Sơn vốn là một phú ông có bản tính keo kiệt, thường ức hiếp người nghèo. Mặc dù ông sống một cuộc sống giàu sang, nhưng nhiều năm trôi qua không có con cái để nối dõi. Một lần sau khi được người cha quá cố báo mộng, rằng: Nếu ông không ngừng làm việc xấu thì nhà họ Đậu sẽ đoạn tử tuyệt tôn. Sau đó ông chuyên tâm tích đức hành thiện,  được người đời tôn quý. Sau này, vợ ông sinh được năm người con trai, ông luôn răn dạy các con tâm phải hướng thiện, anh em đùm bọc lẫn nhau. Cuối cùng cả năm người con của ông đều nổi danh, thành tài.

Bài 3: Dưỡng bất giáo, phụ chi quá

Tiếng HánPinyin
Hán ViệtNghĩa
養不教,父之過;Yǎng bù jiào, fǔ zhīguò;Dưỡng bất giáo, phụ chi quá;Nuôi mà không dạy là lỗi của cha.
教不嚴,師之惰。Jiào bù yán, shī zhī duò.Giáo bất nghiêm, sư chi đọa.Dạy mà không nghiêm là quấy của thầy.
子不學,非所宜;Zi bù xué, fēi suǒ yí;Tử bất học; phi sở nghi;Con không học thì không phải lẽ.
幼不學,老何為?Yòu bù xué, lǎo hé wèi?Ấu bất học, lão hà vi?Còn nhỏ không học, già sẽ làm gì?

Giải nghĩa:

Trong quá trình nuôi dạy con nhỏ, nếu cha mẹ không dạy dỗ tốt thì đó là do cha mẹ chưa làm tốt bổn phận của mình. Trên trường lớp, nếu thầy cô dạy không nghiêm khắc dạy dỗ, đôn đốc học trò học tập thì thầy cô cũng chưa làm tròn bổn phận nhà giáo của mình. Người làm con cái, học trò thì cần phải biết chăm chỉ học tập, rèn giũa từ khi còn bé thì lớn lên mới có thể làm việc có ích.

Bài 4: Ngọc bất trắc, bất thành khí.

Tiếng HánPinyinHán Việt Nghĩa
玉不琢,不成器;Yù bù zuó, bùchéngqì;Ngọc bất trác, bất thành khí;Ngọc không đẽo gọt không thành món đồ.
人不學,不知義。Rén bù xué, bùzhī yì.Nhân bất học, bất tri nghĩa.Người ta không học thì không biết nghĩa lý.
為人子,方少時;Wéi rén zǐ, fāng shǎo shí;Vi nhân tử, phương thiếu thời;Làm người con, lúc còn nhỏ.
親師友,習禮儀。Qīn shīyǒu, xí lǐyí.Thân sư hữu, tập lễ nghi.Thân với thầy, bạn để tập lễ nghi.

Giải nghĩa:

Một miếng ngọc thô muốn trở nên đẹp đẽ, có giá trị thì buộc phải trải qua quá trình đẽo gọt, mài giũa, trau chuốt. Con người cũng thế, muốn hiểu hết lời dạy của các bậc thánh hiền, trở thành một người hiểu đạo lý, lễ nghĩa thì cần phải trải qua quá trình cần mẫn học tập. Khi còn nhỏ tuổi, nên có thói quen có thái độ gần gũi, khiêm tốn tiếp nhận những lời dạy bảo, khuyên răn của thầy cô. Bên cạnh đó, cần phải có mối quan hệ tốt với bạn bè, học cách cư xử với mọi người.

Bài 5: Hương cửu linh, năng ôn tịch

Tiếng HánPinyinHán ViệtNghĩa
香九齡,能溫席;Xiāng jiǔ líng, néng wēn xí;Hương cửu linh, năng ôn tịch;Hương chín tuổi biết ủ ấm chiếu mền.
孝于親,所當執。Xiào yú qīn, suǒ dāng zhí.Hiếu ư thân, sở đương chấp.Hiếu với cha mẹ, việc nên làm.
融四歲,能讓梨;Róng sì suì, néng ràng lí;Dung tứ tuế, năng nhượng lê;Dung bốn tuổi biết nhường trái lê.
弟于長,宜先知。Dì yú zhǎng, yí xiānzhī.Để ư trưởng, nghi tiên tri.Thuận với anh là điều nên biết trước.

Giải nghĩa:

Vào thời Đông Hán, có một cậu bé tên là Hoàng Hương, năm cậu mới lên 9 tuổi thì mẹ cậu mất. Một gia đình ba người hạnh phúc nay chỉ con hai cha con nương tựa vào nhau. Cha cậu vừa làm cha vừa làm mẹ, lúc nào cũng bận bịu không ngơi tay. Thấy cha mình ngày càng tiều tụy, cậu bèn bắt đầu học nấu cơm, giặt quần áo, làm việc nhà thay cha. Mùa hè thì cậu vừa đuổi muỗi vừa quạt giường cho mát; Mùa Đông thì cậu ủ ấm chăn nhằm giúp cha có giấc ngủ ngon.

Nhà văn học Khổng Dung, là con út trong nhà và là một cậu bé rất hiểu chuyện. Trong một lần nhà cậu được khách biếu những trái lê, là con út nên cậu được cha cho chọn lê trước tiên. Cậu chọn những trái lê to và ngon nhất phần các anh, còn phần của mình thì cậu lấy trái bé hơn.

Ý nghĩa của bài học này là: Phận làm con cái phải biết hiếu thuận với cha mẹ; Phận làm em phải biết hòa thuận, yêu thương với anh chị.

Bài 6: Thủ hiếu để, thứ kiến văn

Tiếng HánPinyinHán ViệtNghĩa
首孝弟,次見聞;Shǒu xiàodì, cì jiànwén;Thủ hiếu để, thứ kiến văn;Hiếu thuận trước, học kiến thức sau.
知某數,識某文Zhī mǒu shù, shí mǒu wén.Tri mỗ số, thức mỗ văn.Hiểu con số, biết được chữ.
一而十,十而百;Yī ér shí, shí ér bǎi;Nhất nhi thập, thập nhi bách;Một tới mười, mười tới trăm.
百而千,千而萬。Bǎi ér qiān, qiān ér wàn.Bách nhi thiên, thiên nhi vạn.Trăm tới ngàn, ngàn tới vạn.

Giải nghĩa:

Làm người trước hết phải biết hiếu thuận với cha mẹ, hòa thuận với anh chị em, sau đó là học hỏi để tăng dần vốn hiểu biết, tu dưỡng bản thân. Nên học tập để biết được con số, chữ nghĩa. Học từ cái cơ bản rồi mới đến cái nâng cao, giống như học con số thì: Từ 1 đến 10 là những con số cơ bản, sau khi học xong 1 tới 10 thì mới học 10 tới 100, 100 tới 1000,…

Bài 7: Tam tài giả, thiên địa nhân.

Tiếng HánPinyinHán ViệtNghĩa
三才者,天地人;Sāncái zhě, tiāndì rén;Tam tài giả, thiên địa nhân.Ba bậc tài: trời, đất và người.
三光者,日月星。Sānguāng zhě, rì yuè xīng.Tam quang giả, nhật nguyệt tinh.Ba vật sáng: mặt trời, mặt trăng, ngôi sao.
三綱者,君臣義;Sān gāng zhě, jūnchén yì;Tam cương giả, quân thần nghĩa,Ba giềng mối: vua tôi có nghĩa.
父子親,夫婦順。Fùzǐ qīn, fūfù shùn.Phụ tử thân, phu phụ thuận.Cha con thân thích, vợ chồng thuận hòa.

Giải nghĩa:

“Tam tài giả” tức là chỉ thiên tài, địa tài, nhân tài. Giữa bầu trời có “Tam quang”, tức là có ba loại ánh sáng, đó là ánh sáng của mặt trời, ánh sáng của mặt trăng và ánh sáng của các ngôi sao. Còn “Tam cương” là chỉ mối luân thường giữa vua tôi, cha con, vợ chồng. Vua cần nương tựa vào bề tôi và bề tôi cần trung thành với vua; Cha mẹ cần yêu thương, chăm sóc con cái và con cái cần hiếu kính với cha mẹ; Vợ chồng cần tôn trọng, yêu thương lẫn nhau.

Bài 8: Xuân, hạ, thu, đông

Tiếng HánPinyinHán ViệtNghĩa
曰春夏,曰秋冬;Yuē chūn xià, yuē qiūdōng;Viết xuân hạ, viết thu đông;Nói về xuân, hạ, thu, đông.
此四時,運不窮。Cǐ sì shí, yùn bù qióng.Thử tứ thời, vận bất cùng.Bốn mùa đó, vận chuyển tuần hoàn.
曰南北,曰西東;Yuē nánběi, yuē xīdōng;Viết nam bắc, viết tây đông;Nói về nam, bắc, tây, đông.
此四方,應乎中。Cǐ sìfāng, yīng hū zhōng.Thử tứ phương, ứng hồ trung.Bốn phương hướng, cùng quy về một điểm ở trung tâm.

Giải nghĩa:

Một năm có bốn mùa, là: Xuân, hạ, thu, đông. Mùa xuân qua đi sẽ đến mùa hạ, tiếp nối mùa hạ sẽ là mùa thu và kết thúc năm sẽ là mùa đông, bốn mùa xuân, hạ, thu, đông cứ như vậy mà chuyển đổi không ngừng từ năm này qua năm khác. Đông, nam, tây, bắc là chỉ bốn phương hướng địa lý và bốn phương hướng này có một điểm ở trung tâm và cùng hướng về điểm đó.

Bài 9: Thủy, hỏa, mộc, kim, thổ

Tiếng HánPinyinHán ViệtNghĩa
曰水火,木金土;Yuē shuǐhuǒ, mù jīn tǔ;Viết thủy hỏa, mộc kim thổ;Nói về thủy, hỏa, mộc, kim, thổ.
此五行,本乎數。Cǐ wǔháng, běn hū shù.Thử ngũ hành, bổn hồ số.Đó được gọi là Ngũ hành.
曰仁義,禮智信;Yuē rényì, lǐ zhìxìn;Viết nhân nghĩa, lễ trí tín;Nói về nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
此五常,不容紊。Cǐ wǔcháng, bùróng wěn.Thử ngũ thường, bất dung vặn.Đó là năm lẽ sống không được để rối loạn.

Giải nghĩa:

“Ngũ hành” gồm có: Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Chúng là năm loại chất có trong tự nhiên, vạn vật trên vũ trụ này đều được tạo ra từ năm hành tố này và giữa chúng có sự tương sinh, tương khắc.

“Ngũ thường” gồm có: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Đây là năm điều ( nhân hậu, chính nghĩa, lễ phép, trí tuệ, uy tín) mỗi người cần có ở đời, chúng ta cần phải nghiêm khắc làm theo nếu không sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường.

Bài 10: Đạo lương thục, mạch thử tắc

Tiếng HánPinyinHán ViệtNghĩa
稻粱菽,麥黍稷;Dào liáng shū, mài shǔ jì;Đạo lương thục, mạch thử tắc;Đạo, lương, thúc, mạch, thử, tắc.
此六穀,人所食。Cǐ liù gǔ, rén suǒ shí.Thử lục cốc, nhân sở thực.Đó là sáu giống lúa mà con người ăn.
馬牛羊,雞犬豕;Mǎ niú yáng, jī quǎn shǐ;Mã ngưu dương, kê khuyển thỉ;Ngựa, bò, dê, gà, chó, heo.
此六畜,人所飼。Cǐ liùchù, rén suǒ sì.Thử lục súc, nhân sở tự.Đó là sáu loài vật mà con người nuôi.

Giải nghĩa:

Lúa, kê, các loại đậu, lúa mạch, ngô và các loại cao lương là sau loại lương thực chủ yếu của con người. Ngựa, bò dê, gà, chó, heo là sáu loại động vật chủ yếu mà con người nuôi dưỡng.

Bài 11: Hỉ, nộ, ai, cụ

Tiếng HánPinyinHán ViệtNghĩa
曰喜怒,曰哀懼;Yuē xǐ nù, yuē āi jù;Viết hỉ nộ, viết ai cụ;Nói về vui, giận, đau thương, sợ hãi,
愛惡欲,七情具。Ài è yù, qī qíng jù.Ái ác dục, thất tình cụ.yêu, ghét, ham muốn là bảy thứ tình của con người.
匏土革,木石金;Páo tǔ gé, mùshí jīn;Bào thổ cách, mộc thạch kim;Bầu, đất, da, gỗ, đá, kim,
絲與竹,乃八音Sī yǔ zhú, nǎi bā yīn.Ti dữ trúc, nãi bát âm.tơ, trúc là tám thứ âm trong âm nhạc.

Giải nghĩa:

Vui mừng, tức giận, đau buồn, sợ hãi, yêu thích, ghét và ham muốn là bảy loại tình cảm của con người có sẵn từ khi sinh ra. Bầu hồ lô, đất sét, da động vật, gỗ, đá, kim loại, tơ và ống trúc là tám loại nguyên liệu được người Trung Quốc dùng để làm nhạc cụ, gọi là: “Bát âm”

Bài 12: Cao tằng, tổ, phụ

Tiếng HánPinyinHán ViệtNghĩa
高曾祖,父而身;Gāo zēngzǔ, fù ér shēn;Cao tằng tổ, phụ nhi thân;Ông sơ, ông cố, ông nội, cha rồi đến mình;
身而子,子而孫。Shēn ér zi, zi ér sūn.Thân nhi tử, tử nhi tôn.Mình rồi đến con, con rồi đến cháu;
自子孫,至元曾;Zì zǐsūn, zhì yuán céng; Tự tử tôn, chí nguyên tằng;Cháu rồi đến chắt, chắt rồi đến chút;
乃九族,人之倫Nǎi jiǔzú, rén zhī lún.Nãi cửu tộc, nhân chi luân.Chín thế hệ này lập thành thứ bậc luân thường của con người.

Giải nghĩa:

Cao tằng tổ (kị) sinh ra tằng tổ phụ (là cụ hay cố), tằng tổ phụ sinh ra tổ phụ (chính là ông cố sinh ra ông nội), tổ phụ sinh phụ thân (là sinh ra cha), phụ thân thì sinh ra chúng ta, chúng ta rồi sẽ sinh ra con, con cái thì sinh ra cháu, chắt cứ như thế từng đời nối tiếp nhau. Người xưa gọi là cửu tộc tức là nói đến cây gia phả gia đình bao gồm chín thế hệ: Cao tổ, tằng tổ, tổ phụ, phụ thân, bản thân mình, con, cháu, chắt, chút. Bao gồm bốn thế hệ phía trên và bốn thế hệ phía dưới mình, có quan hệ huyết thống và thân thiết với mình nhất. Cửu tộc đại biểu cho mối quan hệ luân thường có tôn ti có trật tự, có lớn có nhỏ của nhân loại.

Bài 13: Phu tử phu phụ

Tiếng HánPinyinHán ViệtNghĩa
父子恩,夫婦從;Fùzǐ ēn, fūfù cóng;Phụ tử ân, phu phụ tùng;Cha con có ơn, vợ chồng theo nhau.
兄則友,弟則恭。Xiōng zé yǒu, dì zé gōng.Huynh tắc hữu, đệ tắc cung;Anh yêu thương em, em biết cung kính.
長幼序,友與朋;Zhǎngyòu xù, yǒu yǔ péng;Trưởng ấu tự, hữu dữ bằng;Lớn nhỏ có thứ bậc, bạn bè ngang nhau.
君則敬,臣則忠。Jūn zé jìng, chén zé zhōng.Quân tắc kính, thần tắc trung;Vua thì tôn kính, tôi thì trung thành.
此十義,人所同。Cǐ shí yì, rén suǒ tóng.Thử thập nghĩa, nhân sở đồng.Đó là mười nghĩa mà mọi người đều có như nhau.

Giải nghĩa:

Giữa cha mẹ với con cái cần có ơn nghĩa với nhau; Giữa vợ chồng cần có sự tôn trọng, nhường nhịn, thấu hiểu lẫn nhau; Giữa anh chị em cần có trên có dưới, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Anh chị cần yêu thương, quan tâm em út, em út cần kính trọng anh chị. Mối quan hệ giữa bề trên và bề dưới cần phải tuân theo trật tự lớn nhỏ, mối quan hệ giữa bạn bè thì cần đối xử công bằng, thành thật, ngang vai vế nhau. Trong mối quan hệ vua tôi, vua cần phải biết cách đối xử khéo léo, đúng mực với bề tôi, có vậy mới được bề tôi tôn kính, trung thành. Đây là mười đạo nghĩa mà mọi người đều phải tuân thủ và hành xử theo.

Bài 14: Phàm huấn mông

Tiếng HánPinyinHán ViệtNghĩa
凡訓蒙,須講究;Fán xùnméng, xū jiǎngjiù;Phàm huấn mông, tu giảng cứu;Phàm khi dạy học, phải xét kỹ lưỡng.
詳訓詁,明句讀。Xiáng xùngǔ, míng jùdòu.Tường huấn hổ, minh cú đậu.Tường tận nghĩa xưa, ngắt câu rõ ràng.
為學者,必有初;Wéi xuézhě, bì yǒu chū;Vi học giả, tất hữu sơ;Bởi người đi học, ắt phải học từ đầu.
小學終,至四書。Xiǎoxué zhōng, zhì sì shū.Tiểu học chung, chí Tứ Thư.Học xong tiểu học rồi mới tới Tứ Thư.

Giải nghĩa:

Khi dạy bảo trẻ nhỏ học tập, người thầy cần phải giải thích tường tận ngữ nghĩa của câu chữ, chỉ dẫn cách ngắt nghỉ trong câu (bởi vì trong các sách cổ của Trung Quốc không có dấu câu, vì vậy chỉ cần ngắt câu chữ bị sai thì có thể sẽ mang một ý nghĩa hoàn toàn khác). Việc học hành cần phải có nền tảng vững chắc, có vậy mới có thể học lên cao, tiếp thu được tinh hoa mà cổ nhân để lại. Vì vậy người học cần phải kiên nhẫn học tập, học xong sách tiểu học mới học tới “Tứ Thư”.

Bài 15: Luận Ngữ – Mạnh Tử

Tiếng HánPinyinHán ViệtNghĩa
論語者,二十篇;Fán xùnméng, xū jiǎngjiù;Luận Ngữ giả, nhị thập thiên;Sách Luận Ngữ, có hai mươi thiên.
群弟子,記善言。Xiáng xùngǔ, míng jùdòu. Quần đệ tử, kí thiện ngôn.Do các đệ tử ghi chép lại lời dạy hay.
孟子者,七篇止;Wéi xuézhě, bì yǒu chū;Mạnh Tử giả, thất thiên chỉ;Sách Mạnh Tử, có bảy thiên.
講道德,說仁義。Xiǎoxué zhōng, zhì sì shū.Giảng đạo đức, thuyết nhân nghĩa.Giảng về đạo đức, nói về nhân nghĩa.

Giải nghĩa:

Sách “Luận Ngữ” là một trong “Tứ Thư” (Luận Ngữ, Mạnh Tử, Trung Dung, Đại Học), sách có tổng cộng hai mươi bài, do các học trò của Khổng Tử ghi chép lại những lời dạy hay của ông và soạn thành sách.

Sách “Mạnh Tử” có tổng cộng bảy bài và được chia làm hai phần. Nội dung của cuốn sách bàn về đạo đức và nhân nghĩa.

Bài 16: Trung Dung – Đại Học

Tiếng HánPinyinHán ViệtNghĩa
作中庸,子思筆;Zuò zhōngyōng, zi sī bǐ;Tác Trung Dung, Tử Tư bút;Cuốn Trung Dung, do Tử Tư viết.
中不偏,庸不易。Zhōng bùpiān, yōng bùyì.Trung bất thiên, Dung bất dịch.Trung nghĩa là không lệch, Dung nghĩa là không đổi.
作大學,乃曾子;Zuò dàxué, nǎi céngzi;Tác Đại Học, nãi Tăng Tử;Cuốn Đại Học, do Tăng Tử viết.
自脩齊,至平治。Zì xiū qí, zhì píngzhì.Tự tu tề, chí bình trị.Từ tu nhân tề gia đến trị quốc bình thiên hạ.

Giải nghĩa:

Cuốn sách “Trung Dung” do Tử Tư biên soạn, “trung” trong “Trung Dung” nghĩa là khi xử lý bất kỳ sự việc gì đều cần phải có sự công tư phân minh, không được có sự thiên vị. Còn chữ “dung” trong “Trung Dung” có nghĩa là cần phải giữ tâm mình bình ổn, có vậy mới không dễ bị xao động trước các vật chất bên ngoài, tâm tính con người mới không dễ bị thay đổi.

Sách “Đại Học” là do Tăng Tử viết, tư tưởng xuyên suốt trong cuốn sách là “Tu thân tề gia”, “Trị quốc bình thiên hạ”.

Bài 17: Thi, Thư, Dịch, Lễ, Xuân Thu

Tiếng HánPinyinHán ViệtNghĩa
孝經通,四書熟;Xiào jīng tōng, sì shū shú;Hiếu Kinh thông, Tứ Thư thục;Thông Hiếu Kinh, thuộc Tứ Thư
如六經,始可讀。Rú liù jīng, shǐ kě dú.Như lục kinh, thủy khả độc.rồi đến Lục Kinh, mới bắt đầu có thể đọc.
詩書易,禮春秋;Shīshū yì, lǐ chūnqiū;Thi Thư Dịch, Lễ Xuân Thu;Thi, Thư, Dịch, Lễ và Xuân Thu
號六經,當講求。Hào liù jīng, dāng jiǎngqiú.Hiệu lục kinh, đương giảng cầu.gọi là sáu kinh nên tìm hiểu.

Giải nghĩa:

Khi đi học thì trước tiên cần phải học hiểu sách “Hiếu Kinh” đã, sau đó học bốn cuốn “Tứ Thư” (Luận Ngữ, Mạnh Tử, Trung Dung, Đại Học). Sau khi đã đọc hiểu học thông những cuốn sách trên thì bắt đầu học đến sáu cuốn “Lục Kinh” (Thi Kinh, Thượng Thư, Chu Dịch, Chu Lễ, Lễ Ký, Xuân Thu). Đây đều là những đầu sách kinh điển, quan trọng trong Đạo Nho, vì vậy chúng ta cần học tập và nghiền ngẫm kỹ những đạo lý được đề cập trong đó.

Bài 18: Dịch – Thư

Tiếng HánPinyinHán ViệtNghĩa
有連山,有歸藏;Yǒu liánshān, yǒu guī cáng;Hữu Liên Sơn, hữu Quy Tàng;Có Liên Sơn, có Quy Tàng,
有周易,三易詳。Yǒu zhōuyì, sān yì xiáng.Hữu Chu Dịch, tam Dịch tường.có Chu Dịch, nên tường tận ba kinh dịch này.
有典謨,有訓誥;Yǒu diǎn mó, yǒu xùn gào;Hữu Điển Mô, hữu Huấn Cáo;Có Điển, Mô; Có Huấn, Cáo;
有誓命,書之奧。有誓命,書之奧。Yǒu shì mìng, shū zhī ào.Hữu Thệ Mệnh, Thư Chi Áo.Có Thệ, Mệnh đều có hàm nghĩa sâu xa.

Giải nghĩa:

“Tam Dịch” gồm có ba cuốn sách là: Liên Sơn, Quy Tàng và Chu Dịch. Những cuốn sách này thông qua các quẻ bói để thể hiện đạo lý biến hóa của mọi sự vật trong vũ trụ.

“Thượng Thư” gồm có Điển, Mô, Huấn, Cáo, Thệ, Mệnh. Đây đều là các chương của “Thư Kinh”, nội dung bao hàm những đạo lý kỳ diệu và huyền bí. Điển là bài viết ghi chép lại những sự tích về các đế vương, Mô kể lại những lời bàn bạc, kiến nghị của quần thần; Huấn là những lời chỉ bảo và răn dạy, Cáo là những lời khuyên răn, khích lệ; Thệ là những lời tuyên thệ, Mệnh là những chiếu lệnh (mệnh lệnh do nhà Vua ban hành, có thể dưới dạng văn sách, lệnh, cáo,…)

Bài 19: Lễ Ký

Tiếng HánPinyinHán ViệtNghĩa
我周公,作周禮;Wǒ zhōugōng, zuò zhōu lǐ;Ngã Chu Công, tác Chu Lễ;Chu Công soạn ra Chu Lễ.
著六官,存治體。Zhe liù guān, cún zhì tǐ.Trước lục quan, tồn trị thể.Đặt ra sáu loại quan giữ gìn chính thể.
大小戴,注禮記;Dàxiǎo dài, zhù lǐjì;Đại Tiểu Đái, chú Lễ Kí;Đại Đới và Tiểu Đới chú thích Lễ Ký.
述聖言,禮樂備。shù shèng yán, lǐ yuè bèi.Thuật thánh ngôn, lễ nhạc bị.Thuật lời dạy của thánh nhân, đầy đủ lễ nhạc.

Giải nghĩa:

Sách “Chu Lễ” được soạn bởi Chu Công, nhằm ghi lại sáu loại chế độ quan chức được đặt ra nhằm quản lý đất nước (Thiên quan, Địa quan, Xuân quan, Hạ quan, Thu quan, Đông quan) dưới triều đại nhà Chu.

Hai học giả là Đới Đức và Đới Thánh vào thời Tây Hán, đã chỉnh lý và chú thích cuốn “Lễ Ký”, trong đó đã trình bày tương đối hoàn chỉnh những lời bàn luận của các bậc thánh hiền và nói về các loại chế độ, nghi thức liên quan đến Lễ Nhạc (chỉ lễ nghi và âm nhạc).

Bài 20: Thi Kinh – Xuân Thu

Tiếng HánPinyinHán ViệtNghĩa
曰國風,曰雅頌;Wǒ zhōugōng, zuò zhōu lǐ; Viết quốc phong, viết nhã tụng;Rằng: Quốc Phong, rằng: Nhã, Tụng.
號四詩,當諷詠。Zhe liù guān, cún zhì tǐ.Hiệu tứ thi, đương phúng vịnh.Gọi là bốn thể thơ, để ngâm đọc.
詩既亡,春秋作;Dàxiǎo dài, zhù lǐjì;Thi ký vong, Xuân Thu tác;Kinh Thi đã mất, thay vào là kinh Xuân Thu.
寓褒貶,別善惡。Shù shèng yán, lǐ yuè bèi.Ngụ bao biếm, biệt thiện ác.Ngụ ý khen chê, phân biệt thiện ác.

Giải nghĩa:

“Kinh Thi” gồm có bốn thể thơ, đó là: Quốc Phong, Đại Nhã, Tiểu Nhã, Tụng. Khi đọc bốn thể thơ này cần phải đọc với tông giọng ngâm nga, trầm bổng.

Sau khi triều đại nhà Chu suy vong thì “Kinh Thi không còn được ưa chuộng, dần dần bị lãng quên. Vì vậy, Khổng Tử dựa vào sử sách nước Lỗ, soạn ra sách “Xuân Thu”. Trong sách, ông có đưa ra những lời khen và cũng có những lời chê bai về chế độ chính trị đương thời. Đồng thời, ông cũng nhắc nhở người đời phải biết phân rõ thiện ác.

Bài 21: Tam truyện

Tiếng HánPinyinHán ViệtNghĩa
三傳者,有公羊;Sān chuán zhě, yǒu gōng yáng; Tam Truyện giả, hữu Công Dương,Ba truyện: có Công Dương,
有左氏,有穀梁。Yǒu zuǒ shì, yǒu gǔ liáng.Hữu Tả Thị, hữu Cốc Lương.có Tả Thị, có Cốc Lương.
經既明,方讀子;Jīng jì míng, fāng dú zi;Kinh ký minh, phương độc tử;Kinh đã rõ rồi nên đọc sang Tử.
撮其要,記其事。Cuō qí yào, jì qí shì.Toát kì yếu, kí kì sự.Rút ra điều cốt yếu, nhớ kỹ những sự việc.

Giải nghĩa:

“Tam Truyện” gồm có ba phần, là: Công Dương truyện, Tả truyện và Cốc Lương truyện. Sau khi đã học hiểu các sách của Nho gia, như: “Tứ Thư”, “Lục Kinh” thì mới bắt đầu chuyển qua học sách của Bách Gia Chư Tử. Đồng thời phải biết chắt lọc những trọng tâm có trong sách và ghi nhớ các sự việc trong đó.

Bài 22: Ngũ tử

Tiếng HánPinyinHán ViệtNghĩa
五子者,有荀楊;Wǔzǐ zhě, yǒu xún yáng;Ngũ tử giả, hữu Tuân Dương.Năm Tử có: Tuân Tử, Dương Tử,
文中子,及老莊。Wénzhōng zǐ, jí lǎo zhuāng.Văn Trung Tử, cập Lão Trang.Văn Trung Tử, Lão Tử, Trang Tử.
經子通,讀諸史;Jīng zǐ tōng, dú zhū shǐ;Kinh tử thông, độc chư sử;Thông Kinh Tử thì đọc các sách Sử.
考世系,知終始。Kǎo shìxì, zhī zhōngshǐ.Khảo thế hệ, tri chung thủy.Xét qua các thế hệ để biết đầu đuôi.

Giải nghĩa:

Trung Quốc có năm cuốn sách rất quan trọng, là: “Tuân Tử”, “Pháp Ngô”, “Trung Thuyết” và “Trang Tử”. Các tác giả của những cuốn sách trên, lần lượt là: Tuân Tử, Dương Tử, Lão Tử và Trang Tử.

Với người đi học, sau khi đã học hiểu, học thông được những tư tưởng trong “Kinh Thư”, “Tử Thư” thì có thể bắt đầu học tập, nghiên cứu về sách sử. Như thế có thể biết được lịch sử, hiểu được bối cảnh cũng như đạo lý về sự hưng thịnh, suy vong của các triều đại.

 

 

Qua bài viết, ChineseHSK đã giúp bạn giải đáp một phần thắc mắc về 44 bài học Tam Tự Kinh trong văn hóa Trung Quốc một cách chi tiết và dễ hiểu. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho bạn!

Xem tiếp 44 BÀI HỌC TAM TỰ KINH (PHẦN 2)

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề trong chuyên mục: TỰ HỌC TIẾNG TRUNG

  • Tìm về nguồn cội Tiếng Trung – “Hán tự” tại đây.
  • Ý nghĩa chữ Phúc, Lộc, Thọ trong Tiếng Hán tại đây.
  • Thơ Đường Trung Quốc tại đây.
0/5 (0 Reviews)
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *