TẾT NGUYÊN ĐÁN CỦA NGƯỜI TRUNG QUỐC

Tết Nguyên đán của người Trung Quốc

Tết Nguyên đán(春节 – Chūnjié)cùng với Tết Trung thu中秋节 – Zhōngqiū jié), Tết Đoan ngọ(端午节 – Duānwǔ jié)tết Thanh minh(清明节 – Qīngmíng jié)là bốn dịp lễ truyền thống quan trọng đối với người Trung Quốc. Vậy các bạn đã biết những gì về dịp lễ này? Đọc bài viết ChineseHSK cung cấp dưới đây để xem bạn hiểu ngày Tết Nguyên đán của người dân Trung Quốc tới đâu nhé.

Tết Nguyên đán trong tiếng Trung là gì?

Trong tiếng Trung, Tết Nguyên đán hay còn gọi là năm mới được viết là 春节(Chūnjié). Ngoài cái tên này ra Tết Nguyên đán của người Trung Quốc còn được gọi là “tân xuân” 新春Xīnchūn), “tân niên” 新年Xīnnián),….

Trong khẩu ngữ, người Trung Quốc thường dùng cụm từ  过年Guònián) hoặc 过大年Guòdànián) để thay thế cho 春节Chūnjié).

Còn mùa xuân trong tiếng Trung là 春季(Chūnjì)hoặc 春天Chūntiān), các bạn đừng nhầm lẫn các từ này nha.

Tết Nguyên đán trong tiếng Trung là gì?
Tết Nguyên đán trong tiếng Trung là gì?

Nguồn gốc và ý nghĩa Tết Nguyên đán

Giống với Việt Nam, Tết Nguyên đán ở Trung Quốc đã xuất hiện từ rất lâu. Khởi nguồn của Tết Nguyên đán ở Trung Quốc có liên quan tới tín ngưỡng nguyên thủy, văn hóa thờ cúng, các văn hóa tự nhiên và nhân văn thời thượng cổ.

Trong xã hội nông canh truyền thống, ngày lập xuân có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì đây chính là thời điểm vạn vật sinh sôi, bắt đầu một vòng đời mới.

Vào ngày lập xuân, người Trung Quốc xưa sẽ tổ chức cúng tế đất trời và các thần linh, tưởng nhớ ơn đức của tổ tiên cũng như xua đuổi tà ma. Dần dần về sau này được cải biến thành Tết Nguyên đán như ngày nay.

Ngoài ra, trong dân gian còn lưu truyền một truyền thuyết về sự ra đời của Tết Nguyên đán như sau:

Ngày xưa nó một con quái thú tên Niên. Quái thú này ẩn cư dưới đáy biển sâu, chỉ dịp giao thừa trước tết mới ngoi lên bờ để bắt dân làng làm món ăn cho mình. Dân cư trong khu vực đó ai cũng sợ hãi, mỗi dịp giao thừa đều dìu dắt nhau trốn vào rừng sâu để tránh Niên.

Sau này, dân làng được mách rằng Niên rất sợ màu đỏ, ánh lửa và tiếng nổ. Thế là, người dân cùng tụ lại, vào lúc Niên lên bờ thì cùng nhau dán câu đối đỏ, cho nổ pháo, nhà ai cũng chưng đèn sáng đêm để canh chừng Niên. Bị dọa sợ, Niên bỏ chạy mất.

Tập tục này được truyền rộng hơn, dần dần diễn biến thành Tết Nguyên đán như bây giờ.

Tết Nguyên đán diễn ra vào thời gian nào

Người Trung Quốc cũng đón tết dựa theo lịch âm như phần lớn các nước Đông Nam Á. Tết Nguyên đán ở Trung Quốc chính thức bắt đầu vào ngày 1 tháng 1 âm lịch, vào khoảng đầu tháng 2 theo lịch dương.

Ở dịp Tết quan trọng này, người dân Trung Quốc được nghỉ tổng cộng 7 ngày theo quy định của pháp luật.

Những tập tục trong dịp Tết Nguyên đán

Phong tục ngày Tết nguyên đán ở Trung Quốc
Phong tục ngày Tết nguyên đán ở Trung Quốc

Dán câu đối đỏ ngày Tết 贴春联(Tiē chūnlián)

Vào những ngày trước đêm giao thừa, các thành viên trong gia đình Trung Quốc sẽ tụ họp lại cùng nhau dọn dẹp nhà cửa với ý nghĩa “tiễn cũ đón mới”.  Ai ai cũng mong muốn vứt bỏ đi những điều xui xẻo trong năm cũ để nhường chỗ cho những điều cát lành đến cùng năm mới.

Sau khi đã rũ bỏ đi những cái cũ là đến tiết mục trang hoàng cho năm mới. Một hoạt động nổi bật nhất chính là dán câu đối đỏ trước cửa lớn.

Đây cũng là một hình thức xua đuổi những điều không tốt, đón chào những cái mới cũng như một hình thức gửi những lời chúc tốt đẹp đến những người xung quanh.

Bạn cũng có thể thấy người Trung Quốc sẽ dán một chữ “Phúc” ngược khi năm mới đến. Ngụ ý của hành động này là cầu mong phúc lộc tới nhà vì “phúc ngược” đồng âm với chữ “phúc tới” trong tiếng Trung (đều là /fú dào/).

Tìm hiểu thêm về phong tục dán chữ Phúc ngược tại đây

Đón giao thừa 守岁(Shǒusuì)

Vào đêm 30 Tết, người Trung Quốc sẽ bày biện một mâm đồ ăn thịnh soạn, thắp lên một cây nến, ngồi quây quần bên nhau vừa ăn vừa trò chuyện. Họ thức qua đêm để cùng nhau chào đón khoảng khắc đầu tiên của một năm mới.

Hoạt động này có ý nghĩa hoan nghênh những điều tốt đẹp, đuổi đi những bệnh tật tai ương.

Bắn pháo hoa 放烟花(Fàng yānhuā

Giống với Việt Nam, trong dịp lễ lớn như Tết Nguyên đán này, chính phủ nhân dân Trung Hoa cũng rất quan trọng việc tổ chức bắn pháo hoa như một lời chào chính thức tới năm mới.

Ở những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến đều có những địa điểm bắn pháo hoa cụ thể phục vụ cho người dân.

Xem thêm các địa điểm bắn pháo hoa tại đây

Đi chúc mừng năm mới 祝贺新年、走亲戚(Zhùhè xīnnián, zǒu qīnqī)

Vào sáng ngày mồng 1, những lớp trẻ trong nhà trước tiên phải chúc mừng năm mới tiền bối trước. Sau khi được chúc, những bậc tiền bối sẽ phát tiền lì xì cho lớp trẻ kèm với những lời chúc ngược lại.

Sau đó là đi tới nhà cha mẹ hai bên để chúc Tết và bắt buộc phải mang theo quà. Sau khi tới nhà cha mẹ, phải thắp nhang kính nhớ tổ tiên rồi mới tới các bậc tiền bối trong nhà. Sau cùng là các hoạt động vui chơi giải trí.

Ngoài những hoạt động bắt buộc kể trên, người Trung Quốc còn đi chúc Tết họ hàng, bạn bè, hàng xóm,… với nhiều hình thức đa dạng khác như viết thiệp chúc mừng năm mới hay gọi điện, nhắn tin chúc mừng nếu ở xa.

Múa lân 舞狮(Wǔ shī)

Múa lân là một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống dân gian ở Trung Quốc. Mỗi một con lân sẽ có hai người múa, một người ở đầu và một người ở đuôi.

Múa lân đã có lịch sử hình thành từ lâu đời. Lân được coi như một loài vật cát tường có thể xua đuổi xui xẻo, thế nên trong dịp năm mới hay trong những sự kiện quan trọng đều tổ chức múa lân.

Những chú lân với màu sắc sặc sỡ như đỏ, vàng cùng với tiếng trống vang xa đã làm cho ngày xuân của người dân Trung Quốc trở nên náo nhiệt hơn rất nhiều.

Tặng lì xì 发红包(Fā hóngbāo)

Người ta đồn rằng, vào thời xa xưa có một con tiểu yêu tên là “Túy” vào đêm 30 mỗi năm đều lén lút vào nhà người dân sờ đầu trẻ con. Những đứa trẻ bị sờ đầu đều bị sốt cao rồi biến thành kẻ ngốc. Điều này khiến ai nấy đều lo sợ.

Có một cặp vợ chồng sợ “Túy” tới nhà họ nên trước khi dỗ con ngủ đã đặt tám đồng tiền đồng vào một tờ giấy đỏ để dưới gối của đứa bé. Khi “Túy” vào nhà định sờ đầu đứa bé thì bị ánh sáng từ đồng tiền dưới gối làm chói mắt, sợ mà bỏ chạy mất.

Từ đó xuất hiện tập tục tặng bao lì xì đỏ cho trẻ con vào ngày Tết với mong muốn bảo vệ những đứa trẻ khỏi ma quỷ và những điều xui rủi.

Những điều cấm kị trong dịp Tết Nguyên đán

Không quét nhà, không đổ rác

Trong ngày đầu của năm mới, những vật dụng có ở trong nhà được coi là tài lộc sau này, bao gồm cả những thứ như bụi hoặc rác. Nếu bạn quét hoặc vứt chúng đi có nghĩa là đang “vứt tiền”.

Không gội đầu hoặc cắt tóc

Năm mới được coi là mùa vạn vât nảy mầm, đối với tóc cũng thế. Nếu cắt tóc trong dịp năm mới thì cũng giống như chặt đứt sự phát triển của sự vật.

Không nói tục

Năm mới là khoảng thời gian chào đón những điều tốt đẹp, trao nhau những câu chúc hay.  Nếu mới đầu năm mà đã nghe thấy những điều không hay thì cả năm sẽ không thuận lợi.

Không ăn cháo loãng

Đầu năm tránh ăn cháo loãng vì điều này tương đồng với việc trong nhà không còn đủ thức ăn, là biểu hiện của sự túng thiếu.

Những câu chúc mừng năm mới bằng tiếng Trung

Những câu chúc Tết bằng tiếng Trung
Những câu chúc Tết bằng tiếng Trung

Năm mới không thể thiếu đi những câu chúc, vậy chúng ta có những câu chúc tết bằng tiếng Trung nào?

Câu chúc Tết ông bà, cha mẹ

Chữ HánPhiên âmDịch nghĩa
身体健康Shēntǐ jiànkāng Sức khỏe dồi dào
福如东海寿比南山Fú rú dōnghǎi shòu bǐ nánshānPhúc như Đông hải, thọ tỉ Nam sơn
生意红红火火Shēngyì hóng hónghuo huǒLàm ăn phát đạt
财源滚滚Cáiyuán gǔngǔnTiền vào như nước
年年有余Nián nián yǒuyúNăm nào cũng dư dả

Chúc Tết anh chị em, bạn bè

Chữ HánPhiên âmDịch nghĩa
新年大吉大利Xīnnián dàjí dàlìNăm mới đại cát đại lợi
学习更上一层楼Xuéxí gèng shàng yī céng lóuHọc tập ngày càng tiến bộ
长得越来越帅/漂亮Zhǎng dé yuè lái yuè shuài/piàoliangCàng ngày càng đẹp trai/ xinh gái
心想事成Xīn xiǎng shì chéngSự nghiệp như ý
平安快乐Píng'ān kuàilèBình an vui vẻ
万事如意Wànshì rúyìVạn sự như ý

 

Trên đây là những điều thú vị về dịp Tết Nguyên đán của người Trung Quốc mà ChineseHSK muốn chia sẻ với bạn. Hi vọng có thể cung cấp cho bạn thêm nhiều kiến thức bổ ích về văn hóa Trung Quốc.

Xem thêm các bài viết trong chuyên mục Khám phá Trung Hoa

  • TOP 5 THÀNH PHỐ ĐÁNG KHÁM PHÁ KHI DU LỊCH TRUNG QUỐC tại đây
  • CÁC BƯỚC XIN VISA DU LỊCH TRUNG QUỐC MỚI NHẤT tại đây

 

0/5 (0 Reviews)
Chia sẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *