BẢNG CHỮ CÁI TIẾNG TRUNG CHO NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU

BANH CHU CAI TT

Một điểm khó khi tiếp xúc với tiếng Trung Quốc là cách đọc của chữ Hán không được thể hiện trên mặt chữ, thế nên để phá bỏ khó khăn ấy, người Trung Quốc đã tạo ra bảng phiên âm tiếng Trung hay còn gọi là bảng chữ cái tiếng Trung Quốc. Trong bảng phiên âm này có gì nhỉ? Cùng ChineseHSK tìm hiểu sâu hơn về cấu tạo của bảng phiên âm này nhé!

Bảng phiên âm tiếng Trung gồm những gì?

Bảng phiên âm tiếng Trung được gọi là 拼音(Pin yin). Trong bảng phiên âm tiếng Trung bao gồm thanh mẫuvận mẫu. Ngoài ra, để có thể triệt để khai thác bảng phiên âm tiếng Trung, bạn cần phải biết thêm về thanh điệu.

Thanh mẫu

Trong bảng phiên âm tiếng Trung có tổng cộng 21 thanh. Dựa theo vị trí phát âm của từng thanh mẫu mà chúng được chia ra thành những nhóm sau.

Nhóm âm hai môi: b p m

Khi phát âm những thanh mẫu này hai môi bặm vào nhau, dồn hơi trong khoang miệng rồi bật ra.

Thanh mẫu b: không bật hơi, dây thanh đới không rung.

Thanh mẫu p: bật mạnh hơi ra ngoài, dây thanh đới không rung.

Thanh mẫu m: không bật hơi, dây thanh đới rung.

Nhóm âm môi răng: f

Thanh mẫu f: môi dưới chạm nhẹ vào hàm răng trên, luồng hơi đi nhẹ nhàng và liên tục ra ngoài.

Nhóm âm đầu lưỡi trước: z c s

Khi phát âm những thanh mẫu này khóe miệng kéo rộng sang hai bên, giữa hai hàm răng có một khe hở nhỏ.

Thanh mẫu z: đầu lưỡi chạm vào mặt răng trên rồi nhanh chóng kéo về sau, tạo ra một khe hở cho luồng hơi đi ra, không bật hơi.

Thanh mẫu c: vị trí lưỡi giống thanh mẫu z nhưng có bật hơi khi phát âm.

Thanh mẫu s: lưỡi nằm thẳng, đầu lưỡi chạm hàm răng dưới, luồng hơi đi ra nhẹ nhàng và liên tục.

Nhóm âm đầu lưỡi giữa: d t n l

Khi phát âm những thanh mẫu này khuôn miệng không quá rộng, thả lỏng tự nhiên.

Thanh mẫu d: đầu lưỡi chạm vào mặt sau hàm răng trên, giữ khí trong khoang miệng và nhanh chóng thụt lưỡi về sau để phát ra âm thanh. Thanh mẫu này không bật hơi.

Thanh mẫu t: vị trí lưỡi và cách phát âm giống thanh mẫu t nhưng cần bật mạnh hơi ra.

Thanh mẫu n: đầu lưỡi chạm vào lợi của hàm răng trên, ngạc mềm và lưỡi con đưa xuống để mở rộng khoang mũi, âm thanh đi ra từ khoang mũi.

Thanh mẫu l: đầu lưỡi chạm vào lợi của hàm răng trên, ngạc mềm và lưỡi con đưa lên đóng khoang mũi lại, luồng hơi đi ra từ hai bên lưỡi.

Nhóm âm đầu lưỡi sau: zh ch sh r

Khi phát âm những thanh mẫu này đều phải hơi cong lưỡi.

Thanh mẫu zh: đầu lưỡi cong lên chạm vào ngạc cứng, giữ hơi trong họng rồi nhanh chóng bật ra tạo ra âm thanh. Đây là thanh mẫu không bật hơi.

Thanh mẫu ch: vị trí và cách phát âm giống thanh mẫu zh nhưng có bật mạnh hơi ra ngoài.

Thanh mẫu sh: mặt lưỡi hơi lõm ở giữa, đầu lưỡi không chạm vào khoang miệng để luồng hơi đi ra liên tục. Đây là âm vô thanh.

Thanh mẫu r: vị trí lưỡi và cách phát âm như thanh mẫu sh nhưng dây thanh đới rung, đây là âm hữu thanh.

Nhóm âm mặt lưỡi: j q x

Khi phát âm những thanh mẫu này, khóe miệng kéo rộng sang hai bên, giữa hai hàm răng có một khe hở nhỏ.

Thanh mẫu j: phần lưỡi trước nâng lên chạm vào ngạc cứng rồi nhanh chóng thụt về sau tạo một khe hở cho luồng hơi ma sát đi ra, không bật hơi.

Thanh mẫu q: vị trí lưỡi và cách phát âm giống thanh mẫu j nhưng cần bật hơi ra.

Thanh mẫu x: đầu lưỡi nâng lên gần ngạc cứng nhưng không chạm vào, tạo thành một khe hở cho luồng hơi đi ra liên tục.

Nhóm âm cuống lưỡi: g k h 

Khi phát âm những thanh mẫu này khuôn miệng mở hơi rộng.

Thanh mẫu g: lưỡi nâng lên chạm ngạc mềm, dồn hơi rồi nhanh chóng hạ lưỡi xuống cho luồng hơi đi ra, đây là âm không bật hơi.

Thanh mẫu k: vị trí lưỡi và cách phát âm như thanh mẫu g như có bật hơi ra.

Thanh mẫu h: lưỡi nâng lên nhưng không chạm ngạc mềm, tạo thành một khe hở cho hơi đi ra nhẹ nhàng.

Vận mẫu

Vận mẫu hay còn gọi là nguyên âm, là những phần đứng sau thanh mẫu. Khi đọc những nguyên âm này, luồng hơi đi ra từ trong miệng chúng ta không hề bị cản trở, âm to và có thể kéo dài.

Trong bảng phiên âm có tổng cộng 36 vận mẫu, trong đó 6 vận mẫu đơn, 13 vận mẫu kép, 16 vận mẫu âm mũi và 1 vận mẫu uốn lưỡi.

Vận mẫu nguyên âm đơn

Đây là những vận mẫu chỉ do 1 nguyên âm tạo thành.

  • a: khi phát âm âm a, khoang miệng mở tự nhiên, miệng hơi dẹt, đầu lưỡi đặt ở mặt trong hàm răng dưới, phần giữa của lưỡi hơi nhô lên, chặn đường mũi lại và dây thanh quản rung lên.

Ví dụ: 哈(hā); 八(bā);爸爸(bàba);妈妈(māmā)

  • o: khi phát âm âm o, miệng hơi khép, tròn môi, lưỡi hơi rụt về sau, đầu lưỡi đặt ở mặt trong hàm răng dưới, cuống lưỡi hơi nhô lên, chặn đường mũi lại và dây thanh quản rung lên.

Ví dụ: 伯伯(bóbo);婆婆(pópo);默默(mòmò);薄膜(bómó)

  • e: khi phát âm âm e, miệng hơi khép, dẹt môi, lưỡi hơi rụt về sau, đầu lưỡi đặt ở mặt trong hàm răng dưới, phần giữa lưỡi hơi lõm xuống, hai khóe miệng hơi nhếch lên, chặn đường mũi lại và dây thanh quản rung lên.

Ví dụ: 这个(zhège); 合格(hégé);特色(tèsè);客车(kèchē)

  • i: khi phát âm âm i, miệng hơi mở, dẹt môi, có một khoảng trống giữa hai hàm răng, lưỡi hơi đưa về phía trước, đầu lưỡi đè ở mặt trong của hàm răng dưới, hai khóe miệng hơi nhếch lên, chặn đường mũi lại và dây thanh quản rung lên.

Ví dụ: 笔记(bǐjì);激励(jīlì);记忆(jìyì);习题(xítí)

  • u: khi phát âm âm u, miệng hơi mở, tròn môi, lưỡi rụt về sau, cuống lưỡi nhô lên, đầu lưỡi nằm ở mặt trong của hàm răng dưới, chặn đường mũi lại và dây thanh quản rung lên.

Ví dụ: 瀑布(pùbù);入伍(rùwǔ);补助(bǔzhù);读物(dúwù)

  • ü: khi phát âm âm ü, miệng hơi mở, tròn môi, lưỡi và môi đều hơi đưa về phía trước, đầu lưỡi đè sau chân răng, chặn đường mũi lại và dây thanh quản rung lên.

Ví dụ: 聚居(jùjū);区域(qūyù);屈居(qūjū);须臾(xūyú);序曲(xùqǔ)

Trong 6 nguyên âm trên, 5 nguyên âm đầu có cách phát âm gần giống với cách phát âm trong tiếng Việt, duy chỉ có âm ü là không xuất hiện trong tiếng Việt. Thế nên đối với nhiều người, đây là một âm khó cần chú ý.

Một mẹo nhỏ khi phát âm âm ü đó là bạn sẽ phải đưa môi về phía trước và giữ nguyên hình dáng của môi khi phát âm. Tuyệt đối không kéo miệng về vị trí cũ khi chưa phát hết âm ü. Nếu như thế âm phát ra sẽ giống như như âm “uy” trong tiếng Việt và người Trung Quốc sẽ rất khó để hiểu được bạn đang nói gì.

Vận mẫu kép (vận mẫu phức)

Đây là những vận mẫu do 2 hoặc 3 âm nguyên âm hợp thành. Hai đặc điểm khi phát âm vận mẫu kép:

  • Độ vang giữa các nguyên âm trong cùng một âm tiết là khác nhau. Nguyên âm nào vang hơn nghĩa là nguyên âm đó được đọc to và rõ ràng hơn.
  • Không có phân định rạch ròi giữa hai nguyên âm trong cùng một âm tiết. Nghĩa là nguyên âm đầu tiên sẽ trượt dần sang nguyên âm thứ hai hoặc nguyên âm thứ ba và kết thúc âm tiết, không có sự ngắt quãng giữa các nguyên âm.

Bốn vận mẫu kép vang âm đầu

  • ai: khi phát âm âm ai, từ nguyên âm a trượt nhanh sang âm i.

Ví dụ: 亲爱(qīn’ài);拜拜(bàibài);开采(kāicǎi);带走(dài zǒu)

  • ao: khi phát âm âm ao, từ nguyên âm a trượt nhanh sang âm u. Vận mẫu này khi phiên âm thì ghi là o nhưng khi đọc lại gần như âm u.

Ví dụ: 高飞(gāo fēi);逃跑(táopǎo);高考(gāokǎo);你好(nǐ hǎo)

  • ei: khi phát âm âm ei, từ nguyên âm e trượt nhanh sang âm i.

Ví dụ: 高飞(gāo fēi);黑色(hēisè);没有(méiyǒu);微微(wéiwéi)

  • ou: khi phát âm âm ou, từ nguyên âm o trượt nhanh sang âm u.

Ví dụ: 丑陋(chǒulòu);小丑(xiǎochǒu);抽泣(chōuqì);某人(mǒu rén)

Bốn vận mẫu kép vang âm giữa

  • iao: 教学(jiàoxué);学校(xuéxiào);描述(miáoshù);小鸟(xiǎo niǎo)
  • uai: 帅哥(shuàigē);乖巧(guāiqiǎo);外快(wàikuài);徘徊(páihuái)
  • iou: khi phiên âm vận mẫu này, chúng ta cần bỏ chữ o ở giữa nhưng âm đọc thì không thay đổi.

Ví dụ: 牛油(niú yóu);留下(liú xià);丢掉(diūdiào);究竟(jiùjìng)

  • uei: khi phiên âm vận mẫu này, chúng ta cần bỏ chữ e ở giữa nhưng âm đọc thì không thay đổi.

Ví dụ: 排队(páiduì);退缩(tuìsuō);魔鬼(móguǐ);压碎(yā suì)

Năm vận mẫu kép vang âm sau

  • ia: 家庭(jiātíng);小龙虾(xiǎo lóngxiā);恰好(qiàhǎo);假牙(jiǎyá)
  • ie: 谢谢(xièxiè);贴心(tiēxīn);街头(jiētóu);姐姐(jiějiě)
  • ua: 花儿(huār);说话(shuōhuà);刮风(guā fēng);耍赖(shuǎlài)
  • uo: 脱发(tuōfà);过节(guòjié);倘若(tǎngruò);落下(luòxià)
  • üe: 略有(lüè yǒu);下雪(xià xuě);雀跃(quèyuè);撅嘴 (juē zuǐ)

Vận mẫu âm mũi

Âm mũi trước

  • ɑn: 参战(cānzhàn); 反感(fǎngǎn); 烂漫(lànmàn); 谈判(tánpàn)
  • en:门诊(ménzhěn); 人参(rénshēn); 认真(rènzhēn); 深沉(shēnchén)
  • in:近邻(jìnlín); 拼音(pīnyīn); 信心(xìnxīn); 辛勤(xīnqín)
  • un:军训(jūnxùn); 均匀(jūnyún); 芸芸 (yúnyún); 群众(qúnzhòng)
  • iɑn:艰险(jiānxiǎn); 简便(jiǎnbiàn); 连篇(liánpiān); 前天(qiántiān)
  • uɑn:贯穿(guànchuān); 软缎(ruǎnduàn); 酸软(suānruǎn); 婉转(wǎnzhuǎn)
  • üɑn:轩辕(xuānyuán); 涓涓(juānjuān); 圆圈(yuánquān); 渊源(yuānyuán)
  • uen:昆仑(kūnlún); 温存(wēncún); 温顺(wēnshùn); 论文(lùnwén)

Âm mũi sau

  • ang:帮忙(bāngmáng); 苍茫(cāngmáng); 当场(dāngchǎng); 刚刚(gānggāng)
  • eng:承蒙(chéngméng); 丰盛(fēngshèng); 更正(gēngzhèng); 萌生(méngshēng)
  • ing:叮咛(dīngníng); 经营(jīngyíng); 命令(mìnglìng); 评定(píngdìng)
  • ong:共同(gòngtóng); 轰动(hōngdòng); 空洞(kōngdòng); 隆重(lóngzhòng)
  • iang:两样(liǎngyàng); 洋相(yángxiàng); 响亮(xiǎngliàng); 长江(chángjiāng)
  • uang:狂妄(kuángwàng); 双簧(shuānghuáng); 状况(zhuàngkuàng); 装潢(zhuānghuáng)
  • ueng:水瓮(shuǐwèng); 主人翁(zhǔrénwēng); 老翁(lǎowēng); 嗡嗡(wēngwēng)
  • iong:炯炯(jiǒngjiǒng); 汹涌(xiōngyǒng); 穷困(qióngkùn);窘境(jiǒngjìng)

Vận mẫu uốn lưỡi

Trong bảng phiên âm tiếng Trung chỉ có duy nhất 1 vận mẫu uốn lưỡi là âm er. Vận mẫu er này không thể đứng một mình để tạo thành một từ riêng. Những âm nguyên âm khác khi kết hợp với vận mẫu er này sẽ bị thay đổi âm đọc ban đầu. 

Thanh điệu

Khác với tiếng Việt, trong tiếng Trung chỉ có 4 thanh điệu phân biệt là thanh một, thanh hai, thanh ba và thanh tư. Trong quá trình bốn thanh điệu này kết hợp với nhau sẽ xảy ra hiện tượng thay đổi thanh điệu, từ đó xuất hiện thêm thanh nhẹ (khinh thanh). 

Độ cao của các thanh điệu được dùng số kí hiệu, cụ thể như sau:

THANH DIEU

Bảng kết hợp thanh mẫu vận mẫu

Đây là bảng phiên âm tiếng Trung kết hợp các thanh mẫu với các vận mẫu. Những ô để trống là những ô không thể ghép được với nhau, những âm này sẽ không xuất hiện trong tiếng Trung.

BANG PHIEN AM

Hi vọng qua bài viết chi tiết mà ChineseHSK vừa cung cấp trên, các bạn đã có được cái nhìn tổng quan về bảng phiên âm tiếng Trung và có thể tự mình luyện tập để rèn luyện khả năng phát âm của bản thân. 

Xem thêm các bài viết trong chuyên mục Ngữ pháp tiếng Trung

  • Tìm hiểu thêm về phát âm tiếng Trung tại đây
  • Nắm chắc ngữ pháp câu chữ 被 tại đây
0/5 (0 Reviews)
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *